Trong họ Trâu bò, bò tót (Bos gaurus) được coi là “người anh cả” về kích thước. Thành viên to lớn về nhì trong danh sách thể trọng là loài rất quen thuộc với văn hóa Việt Nam: trâu rừng Đông Nam Á. Đây là loài trâu hoang dã lớn bản địa Đông Nam Á, tổ tiên của loài trâu nhà (trâu nội, trâu thuần hóa: Bubalus bubalis) hiện nay.
91% trâu rừng trên thế giới tập trung ở Ấn Độ
Trâu rừng hay còn gọi là trâu đầm lầy Đông Nam Á, trâu rừng Đông Nam Á có tên khoa học là Bubalus arnee, là loài ăn cỏ thuộc họ Trâu bò. Theo Sách Đỏ IUCN, trâu rừng Đông Nam Á đã tuyệt chủng tại các nước Bangladesh, Indonesia, Lào, Malaysia, Sri Lanka và Việt Nam. Tuy nhiên Sách Đỏ Việt Nam (2007) chưa xác nhận tình trạng tuyệt chủng mà xếp trâu rừng vào mức độ cực kỳ nguy cấp, có lẽ chỉ còn sót lại một số cá thể tại Kon Tum, Đak Lak.
Hiện nay trên thế giới còn khoảng 3,400 cá thể phân bố ở các nước Bhutan; Campuchia, Ấn Độ, Myanmar, Nepal, Thái Lan; tuy nhiên hầu hết tập trung ở bang Assam, Ấn Độ với số lượng khoảng 3,100 cá thể. Theo IUCN, số lượng trâu rừng trưởng thành hiện có trên thế giới ước tính khoảng 2,500 con, và con số này ngày càng giảm đã đẩy trâu rừng vào mức độ nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN từ năm 1986.
Bản đồ phân bố Trâu rừng Đông Nam Á trên thế giới. Nguồn: Sách Đỏ IUCN
Trâu rừng phân bố ở các vùng đất thấp có độ cao không quá 1,500m so với mặt nước biển, thường gặp ở các xavan, đồng cỏ, rừng nhiệt đới, vùng trũng ngập nước, trong đó sinh cảnh ưa thích của chúng là các bãi bồi phù sa, đồng trũng phù sa. Hiện nay trâu rừng phân bố ở những sinh cảnh khác với thói quen và ưa thích vốn có của chúng, bởi lẽ những hoạt động của con người đã làm mất sinh cảnh cũng như cạnh tranh diện tích sống khi con người lấn chiếm đất đã đẩy chúng khỏi những sinh cảnh ưa thích.
Ảnh: AFP
Ở Nepal, hiện nay trâu rừng chỉ xuất hiện ở các đồng cỏ ngập nước theo mùa và rừng hỗn hợp của vùng ngập lũ SaptKosi. Ở Thái Lan, hiện nay chúng chỉ phân bố giới hạn ở các đồng cỏ, rừng rụng lá hỗn hợp và rừng thường xanh khô dọc các con sông trong Khu bảo tồn động vật hoang dã Huai Kha Khaeng. Ở Sri Lanka, chúng đặc biệt gắn liền với đồng cỏ, đồng cỏ rậm và các khu vực rừng không liên tục. Ở miền Trung Ấn Độ, cụ thể là vùng Bastar của Madhya Pradesh (nay là Chhattisgarh), trâu rừng sống ở các khu rừng khô rụng lá nhiệt đới có tầng rừng dưới là cỏ chiếm ưu thế. Ở nước Bhutan và bang Assam của Ấn Độ, chúng xuất hiện trên các đồng cỏ phù sa dọc theo sông Manas và sông Brahmaputra. Vườn quốc gia Kaziranga và Vườn quốc gia Manas là những nơi lý tưởng để tìm thấy và nhìn ngắm trâu rừng.
Về nhì bảng xếp hạng thể trọng họ Trâu bò
Trâu rừng có kích thước ấn tượng chỉ đứng sau bò tót: con trưởng thành có thể đạt trọng lượng từ 8 tạ đến 1,2 tấn. Thể trọng đồ sộ với cặp sừng lớn cong rất ấn tượng mang đến cho trâu rừng một vẻ đẹp khỏe mạnh đầy sức sống, dù có phần ít cơ bắp so với bò tót.
Chúng thường sống tập trung thành đàn khoảng 20-30 con, nhưng thực tế ghi nhận cũng cá biệt có đàn lên đến cả trăm con.
Ảnh đăng trên trang Livemint; không rõ tác giả.
Là loài ăn cỏ, thức ăn chủ yếu của trâu rừng là các loài cỏ và cói. Trâu dành một khoảng thời gian đáng kể trong ngày để nằm nghỉ ngơi đằm mình trong các vũng nước, vũng bùn. Lớp bùn phủ bên ngoài da khi trâu rừng nằm bùn có chức năng điều nhiệt. So với gia súc (trâu bò nhà), trâu rừng có ít tuyến mồ hôi hơn, do đó giảm nhiệt qua da bởi quá trình đổ mồ hôi ít hiệu quả. Bùn sẽ hiệu quả hơn trong việc làm mát so với nước sạch vì nước được giữ trong bùn bay hơi chậm và kéo dài hiệu quả làm mát. Lớp bùn dày phủ trên cơ thể còn có tác dụng bảo vệ trâu rừng khỏi bị côn trùng cắn đốt.
Ảnh: Steve Garvie | Thai national parks
Con người lấn chiếm, phá rừng, mở rộng diện tích đất đai nông nghiệp và thổ cư đã đẩy trâu rừng khỏi những sinh cảnh yêu thích của chúng, cũng như việc mất đi các vùng trũng, đầm lầy, các vùng đất ngập nước đã làm mất đi sinh cảnh của trâu rừng. Bên cạnh đó, bị săn bắt, giết hạn để phục vụ nhu cầu của con người như lấy thịt, làm đồ trang trí, đồ mỹ nghệ… làm giảm đáng kể số lượng trâu rừng. Hỗn phối với trâu thuần hóa, bị lây nhiễm bệnh từ trâu nhà cũng là các yếu tố phụ tăng số lượng dòng con lai tạp và làm sa sút nguồn gene thuần chủng của trâu rừng trong tự nhiên.
Biên soạn và lược dịch từ nhiều nguồn: Sách Đỏ IUCN, observation.org, Thai national parks, Wikipedia, Livemint