Văn hoá con người

Dân tộc Mạ

Dân tộc Mạ có gần 33.000 người, cư trú chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng. Người Mạ có tên gọi khác là Châu Mạ và có các nhóm địa phương: Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung, Mạ Ngăn. Tiếng Mạ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơmer.

Người Mạ sống thành từng bon (làng), mỗi bon có từ 5 đến 10 nhà sàn dài (nhà dài là nơi ở của các thế hệ có chung huyết thống). Đứng đầu bon là quăng bon (ông già trưởng làng).

Người Mạ làm nương rẫy trồng lúa và cây khác như ngô, bầu, bí, thuốc lá, bông… Công cụ sản xuất thô sơ, có các loại dao xà gạc, cuốc xà bách, rìu, gậy chọc lỗ. Ở vùng lưu vực sông Đồng Nai (huyện Cát Tiên) có làm ruộng nước bằng kỹ thuật lùa cả đàn trâu xuống ruộng để trâu giẫm đất đến khi sục bùn thì gieo lúa giống (xạ lúa). Người Mạ nuôi trâu, bò… theo cách thả rông, lùa vào rừng sống thành đàn, chỉ khi cần giết thịt hoặc giẫm ruộng mới tìm bắt về.

Phụ nữ Mạ nổi tiếng về nghề dệt vải truyển thống với những hoa văn tinh vi hình hoa lá, chim thú với nhiều màu sắc. Nghề rèn sắt nổi tiếng ở nhiều làng. Họ tự luyện quặng lấy sắt để rèn các công cụ sản xuất và vũ khí như dao xà gạc lưỡi cong, lao… Ở vùng ven sông Đồng Nai, người Mạ làm thuyền độc mộc để đi lại, vận chuyển và đánh cá trên sông.

Trang phục cổ truyền: phụ nữ Mạ mặc váy uấn, dài quá bắp chân, nam giới đóng khố. Mùa làm nông, nhiều người ở trần, mùa rét choàng tấm mền. Có tục “cà răng, căng tai”, đeo nhiều vòng trang sức. Nhà trai chủ động trong hôn nhân, nhưng sau lễ cưới chú rễ phải sang ở nhà vợ, đến khi nộp đủ đồ sính lễ cho nhà gái mới được đưa vợ về ở hẳn nhà mình.

Người Mạ tin có rất nhiều thần: Yang (trời) là thần tối cao, ngoài ra có thần sông, thần núi, thần lửa… Cũng như các dân tộc khác thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơmer, người Mạ thường tổ chức lễ đâm trâu vào dịp tết cổ truyền (sau tết Nguyên đán khoảng 1 tháng và mùa lễ hội đâm trâu kéo dài tới 1-2 tháng).

Kho tàng văn học dân gian Mạ gồm nhiều chuyện cổ, truyền thuyết, huyền thoại độc đáo. Nhạc cụ có bộ chiêng, cồng, trống, khèn bầu, tù và, đàn ống tre lồ ô, sáo 3 lỗ gắn vào vỏ quả bầu khô.

Dân tộc stiêng

Dân tộc Xtiêng có hơn 67.000 người. Đồng bào cư trú tập trung tại tỉnh Bình Phước và một phần sinh sống ở Đồng Nai và Tây Ninh. Có thể phân biệt hai nhóm Xtiêng là Bù Đéc và Bù Lơ. Nhóm Bù Đéc ở vùng thấp,biết làm ruộng nước và dùng trâu, bò kéo cày từ khá lâu. Nhóm Bù Lơ ở vùng cao, làm rẫy là chủ yếu, sống gần gũi với người Mnông và người Mạ. Dân tộc Xtiêng còn có tên gọi làXađiêng. Tiếng Xtiêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơmer.

Ngày nay người Xtiêng ở nhiều nơi đã định canh định cư, từng gia đình nhỏ làm nhà ở riêng. Vùng cao ở nhà trệt, vùng thấp ở nhà sàn. Họ Điểu là họ phổ biến khắp vùng Xtiêng. Làng Xtiêng có truyền thống tự quản, đứng đầu là một ông già am hiểu tập tục, có uy tín lớn, tháo vát và thường là người giàu có ở làng. Mức giàu được tính bằng tài sản như: trâu, bò, chiêng, cồng, ché, vòng trang sức…

Thông thường con trai từ tuổi 19 – 20, con gái từ tuổi 15 – 17 bắt đầu tìm bạn đời. Sau lễ cưới, cô dâu về nhà chồng hoặc chú rể về ở đằng vợ.

Trang phục của người Xtiêng khá đơn giản, đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố. Mùa đông người ta choàng một tấm vải để chống rét. Người Xtiêng để tóc dài búi sau gáy, dái tai xâu lỗ để đeo hoa tai bằng gỗ hay ngà voi và xăm mặt, xăm mình với những hoa văn giản đơn. Mọi người nam, nữ, già, trẻ đều thích đeo các loại vòng. Trẻ em còn nhỏ đeo lục lạc ở hai cổ chân.

Người Xtiêng quan niệm “vạn vật hữu linh”, tin vào sức mạnh huyền bí của sấm, sét, trời, đất, trăng, mặt trời. Tính chất thiêng liêng và quyền uy của thần được quy ước bằng vật hiến sinh màu trắng: gà trắng, lợn trắng, trâu trắng. Đồng bào tính tuổi theo mùa rẫy.

Người Xtiêng ưa thích âm nhạc, nhạc cụ thường thấy nhất là bộ chiêng 6 cái, bộ cồng 5 cái. Chiêng không được gõ ở ngoài nhà, trừ ngày lễ đâm trâu. Chiêng dùng trong hội lễ, cả trong bộc lộ tình cảm, hoà giải xích mích giữa các gia đình. Ngoài chiêng, cồng còn có khèn bầu, sáo… cũng được đồng bào ưa thích. Cuối mùa khô, đồng bào hay chơi thả diều.

Thánh địa Cát Tiên

NỀN VĂN HOÁ CỦA CÁC CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC BẢN ĐỊA: Ở VQG CÁT TIÊN CÓ 2 CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC BẢN ĐỊA LÀ MẠ VÀ STIÊNG VỚI NHỮNG NÉT SINH HOẠT CÒN ĐẬM TÍNH TRUYỀN THỐNG, MỘT KHO TÀNG VĂN HOÁ ĐẶC TRƯNG NHƯ: LỄ HỘI ĐÂM TRÂU, NHỮNG TRUYỆN CỔ, TRUYỀN THUYẾT, HUYỀN THOẠI ĐỘC ĐÁO, NHỮNG NHẠC CỤ GẮN LIỀN VỚI ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ VÀ TÂM LINH NHƯ: BỘ CỒNG CHIÊNG, TRỐNG, KHÈN BẦU, TÙ VÀ, SÁO TRÚC 3 LỖ GẮN VÀO TRÁI BẦU KHÔ…

Di chỉ khảo cổ học Cát Tiên: di chỉ khảo cổ này được phát hiện vào năm 1985. Đây là một quần thể di tích rộng lớn được xây dựng chủ yếu bằng gạch đá, kéo dài trên 10km dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai, phân bố tập trung ở xã Quảng Ngãi và thị trấn Đồng Nai, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng. Theo nhận định của các nhà khoa học, có thể đây là một thánh địa với những di chỉ được khai quật thể hiện những thành phần kiến trúc của đền thờ Ấn Độ giáo như đền tháp, mộ tháp… cùng những hiện vật kim loại bằng vàng, đồng chạm khắc tinh vi các hình Nam Thần, Nữ Thần, Thần Silva, bò, voi…, những hộp k’lon để đựng tro xương hoả táng của người theo đạo Bà La Môn. Những hiện vật bằng gốm, bằng đá mà đặc biệt là bộ ngẫu tượng Linga – Yoni được ghè đẽo, chạm khắc tinh tế, sắc xảo.

Trong dó, có một bộ ngẫu tượng được xác nhận là lớn nhất vùng Đông Nam Á.

Di tích lịch sử nhà ngục Tà Lài

Nhà ngục Tà Lài được xây dựng từ thời Pháp, khu vực này trước đây là nơi thâm sơn cùng cốc nên Thực dân Pháp xây dựng nhà ngục tại đây với mục đích để giam cần các tù nhân chính trị. Một số nhà cách mạng của ta đã bị giam cầm tại đây như các đồng chí Dương Quang Đông nguyên là uỷ viên xứ uỷ Nam kỳ, là người đầu tiên tham gia công hội đỏ do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập, ông cũng là một trong những đảng viên Đảng cộng sản đầu tiên. Một số đồng chí cách mạng lão thành khách như nhà sử học Trần Văn Giàu, đồng chí Tô Ký và nhiều đồng chí khác.

Theo hồi ký của đồng chí Dương Quang Đông: Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại năm 1940, thực dân pháp đã giết hang vạn nhân dân, cán bộ, đảng viên của xứ uỷ Nam kỳ. Anh em chúng tôi bàn nhau nếu thời cơ đến cho đất nước thì ai là người đứng ra cứu nước, cứu dân lâu dài. Trong tình thế này chúng tôi quyết định vượt ngục và tổ chức cho ba đồng chí ra trước làm tiền trạm đó là các đồng chí Minh Thẹo, Dương Khuy và Út Khuyết, sau chúng tôi quyết định cho tám đồng chí nữa vượt ngục và về thẳng Sài Gòn là: Trần Văn Giàu, Tô Ký, Châu Văn Giác, Nguyễn Công Trung, Nguyễn Văn Đức, Trương Văn Nhâm, Trần Văn Kiệt và tôi Dương Quang Đông. Không một ai trong số chúng tôi biết đi rừng cả nên chúng tôi đã bị lạc và phải nhịn đói hơn mười ngày, trong hoàn cảnh như vậy chúng tôi đã được đồng bào các dân tộc ít người sinh sống tại địa bàn, người Châu Mạ, S’Tiêng và người Châu Ro cung cấp lương thực và dẫn đường cho chúng tôi ra tới quốc lộ 20 để đi Sài Gòn. Ngay đêm đó chúng tôi cho ba đồng chí quá giang xe về Sài Gòn và hẹn ngày đón các đồng chí còn lại. Về đến Sài Gòn thì sáng hôm sau hai đồng chí của chúng ta bị bắt, thực dân Pháp đã giết một đồng chí và đày một đồng chí ra Côn Đảo. Nhưng đúng hẹn vẫn có xe đón chúng tôi, tôi và đồng chí Đức về đến Sài Gòn, chúng tôi chọn ngày 01 tháng 5 năm 1941 thành lập ban phục hồi cơ sở Nam Kỳ, anh em thống nhất cử tôi làm trưởng ban. Đêm đó tôi giao đồng chí Nhâm treo một lá cờ búa liềm trên đường Mạc Má Hồng (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Việc treo cở đỏ búa liềm ngay trên đất Sài Gòn đã tạo ra tác động lớn. Ngay sau đó các tổ chức cơ sở Đảng của ta ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tân An lần lượt được khôi phục. Lúc này thực dân Pháp lại ra sức khủng bố, truy lùng các đồng chí Cộng Sản. Đầu năm 1942 đồng chí Nhâm bị bắt ở Cần Giuộc, đồng chí Đức bị bắt ở Chợ Lớn. Trong tình huống khó khăn như vậy tôi nghĩ trước sau gì thì mình cũng bị bắt vì tám cái án tử hình của tám người tù đã vượt ngục Tà Lài được thực dân pháp treo khắp mọi nơi. Riêng tôi đã phải cải trang thành người lái xe, hàng ngày đi khắp các ngõ đường Sài Gòn để phối hợp với các đồng chí mình hoạt động. Đến năm 1943 khắp hai mốt tỉnh Nam Kỳ đều tổ chức được ban Tỉnh uỷ. Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 10 năm 1943 chúng tôi họp thành lập xứ uỷ lâm thời gồm 11 đồng chí. Từ đây lực lượng cách mạng của miền Nam Việt Nam đã trưởng thành góp phần giành thắng lợi trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và đại thắng mùa xuân 1975.

Ngày nay nhà ngục Tà Lài không còn nữa mà chỉ còn những vết tích đang bị xóa nhòa theo thời gian. Uỷ Ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho xây dựng bia tưởng niệm nhà ngục Tà Lài nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng và sự hi sinh cao cả của cha anh trong công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước

Vườn Quốc gia Cát Tiên

Thống kê truy cập

  • 0
  • 52
  • 29.979
  • 28.516

Theo dõi chúng tôi

© cattienvietnam

Vườn Quốc gia Cát Tiên

Theo dõi chúng tôi

Thống kê truy cập

  • 0
  • 52
  • 28.516

©cattienvietnam

+84 (251) 3669-228
Liên hệ