CÁC KIỂU RỪNG CHÍNH
1. Rừng lá rộng thường xanh:
Phân bố rải rác ở khu vực tây bắc và tây nam khu Cát Lộc, và đông nam khu Nam Cát Tiên. Rừng này có các loài thực vật chủ yếu thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae). Những loài đóng vai trò quan trọng trong quần xã cây rừng đó là dầu rái (Dipterocarpus alatus), dầu lông (Dipterocarpus intricatus), cẩm lai bà rịa (Dalbergia bariensis), cẩm lai vú (Dalbergia mammosa), gõ đỏ (Afzelia xylocarpa), giáng hương (Pterocarpus macrocarpus),…
Đặc điểm rừng thường xanh là các loài cây gỗ lớn thường xanh quanh năm chiếm hơn 75% tỷ lệ các loài thực vật khác trong khu vực. Chúng thường phát triển trên nền đất sâu, tỷ lệ đá lộ đầu thấp.
2. Rừng thường xanh nửa rụng lá: Phân bố ở những khu vực đông bắc Nam Cát Tiên và gần sông Đồng Nai. Rừng thường xanh lá rụng chủ yếu gồm những loài cây gỗ rụng lá vào mùa khô như bằng lăng ổi (Lagerstroemia calyculata), tung (Tetrameles nudiflora), râm (Anogeissus acuminate),…
Đặc điểm rừng thường xanh là các loài cây gỗ lớn rụng lá để làm giảm lượng nước thoát ra vào mùa khô và lá cây phục hồi lại vào mùa mưa, chiếm hơn 75% tỷ lệ các loài thực vật khác trong khu vực. Chúng thường phát triển trên nền đất nông, tỷ lệ đá lộ đầu cao. Các loài cây thường có bạnh vè phát triển mạnh ở phần gốc.
3. Rừng cây gỗ xen tre nứa: Phân bố ở phía đông và nam của khu Nam Cát Tiên. Đây là loại rừng hình thành dưới tác động của con người. Rừng nguyên sinh bị tác động, xuất hiện khoảng trống có nhiều ánh sáng nên các loài tre đã xâm nhập. Tre nứa mọc thưa, còn cây gỗ đôi khi có những loài có kích thước lớn. Các loài cây gỗ phổ biến ở đây là: Bằng lăng ổi (Lagerstroemia calyculata), tung (Tetrameles nudiflora), trai (Shorea thorelii), dầu mít (Dipterocarpus costatus), sơn huyết (Melanorrhoea lacifera), dẻ đỏ (Castanopsis hystrix), dẻ đá (Lithocarpus sp.), cẩm lai bông (Dalbergia oliveri). Các cây con tái sinh thường gặp là sưng (Semecarpus annamensis), cồng (Calophyllum thorelii), hải mộc (Walsura robusta).
Đây là kiểu phụ rừng thứ sinh nhân tác, do ảnh hưởng của các tác động của con người (phá rừng, khai thác rừng, lửa rừng, chất độc hóa học,…). Rừng thường xanh bị mở tán, tạo diễn thế theo hướng đi xuống và thay thế bằng các quần xã thực vật mới bằng các loài tre xâm nhập và phát triển. Tùy theo mức độ tác động, các kiểu rừng diễn thế thành rừng tre hốn giao gỗ tre hoặc rừng tre nứa thuần loại.
4. Rừng tre nứa thuần loại: Phân bố khá phổ biến trên toàn Vườn. Loại rừng này được hình thành dưới tác động của con người, thường là trên đất bị bỏ hoang sau khi làm nương rẫy. Rừng này chủ yếu là các loài tre: Lồ ô (Bambusa procera), mum (Gigantochloa multifloscula), tre gai còn gọi là tre la ngà (Bambusa blumeana). Các loài cây gỗ phân bố rải rác, có trữ lượng không đáng kể và hầu hết là các loài cây gỗ ưa sáng mọc nhanh như: Hu ba soi (Macaranga tanarius), cám (Parinari annamense), đại phong tử (Hydnocarpus anthelmintica), các loài đa, si (Ficus sp.).
5. Thảm thực vật ngập nước và bán ngập nước: Phân bố chủ yếu ở vùng trung tâm khu Nam Cát Tiên. Mùa khô nước rút đi để lại nhiều bầu nước, đầm lầy. Trên khu vực đất ngập nước theo mùa đã hình thành một kiểu phụ thổ nhưỡng rất đặc biệt của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Cây gỗ ưu thế ở đây bao gồm những loài chịu ngập theo mùa như: Đại phong tử (Hydnocarpus anthelmintica), lộc vừng (Barringtonia acutangula), săng đá (Xanthophyllum colubrinum)…, xen lẫn với lau, lách (Saccharum spontaneum), cỏ đế (Sacharum arundinaceum); lau, sậy (Neyraudia arundinacea). Bao quanh đầm lầy có tre La ngà (Bambusa blumeana) mọc thành búi dầy đặc và chịu ngập trong mùa mưa.