Vượt hơn 900km đến Khu Cứu hộ Động vật hoang dã (KCH ĐVHD) Hòn Me để tiếp nhận cá thể voọc bạc Đông Dương, cán bộ Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật (gọi tắt là Trung tâm Cứu hộ: TTCH) của Vườn quốc gia Cát Tiên như vỡ òa trong niềm vui mừng khi gặp được chú voọc bạc non trong tình trạng lành lặn, khỏe mạnh, quan sát thấy không có thương tích ngoại quan.
Đây là một ca giải cứu voọc non do Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang tịch thu được từ vụ việc mua bán trái phép động vật hoang dã trên địa bàn. Cá thể voọc bạc Đông Dương non trên được xác định giới tính là con đực, chỉ mới ở độ tuổi sơ sinh. Bởi đối với loài voọc bạc, con non mới sinh có màu da cam và phải đến 3-4 tháng tuổi bộ lông mới dần chuyển sang sắc xám giống voọc bạc trưởng thành.
Sau thời gian ngắn được giữ lại chăm sóc tại KCH ĐVHD Hòn Me, chú voọc bạc non trên được thuyên chuyển về VQG Cát Tiên để có môi trường chăm sóc phù hợp hơn, có sự chăm sóc của các chuyên gia về linh trưởng. Tại đây chú bé voọc bạc được đặt tên Út Me để ghi nhớ quê quán của chú.
Trong khoảng thời gian đầu đời sinh sống tại VQG Cát Tiên, để bù lại nỗi đau mất mẹ, chú sẽ có điều kiện tiếp xúc, sinh hoạt với 2 cá thể voọc bạc Đông Dương khác đang được cứu hộ tại Khu cứu hộ linh trưởng Đảo Tiên. Việc này rất quan trọng và cần thiết, bởi voọc con vô cùng nhạy cảm cả về chế độ dinh dưỡng lẫn các đặc tính giao tiếp xã hội trong bầy đàn.
Chú bé voọc trong ngày đầu làm quen với ngôi nhà mới tại Khu Cứu hộ Linh trưởng Đảo Tiên, VQG Cát Tiên
Voọc bạc Đông Dương (tên khoa học Trachypithecus germaini) là loài nguy cấp, quý hiếm, có tên trong cả Sách Đỏ Việt Nam lẫn Sách Đỏ thế giới. Chúng đang phải đối mặt với khả năng tuyệt chủng, ở mức độ Nguy cấp. Theo đánh giá số lượng quần thể loài, chỉ trong 3 thế hệ voọc bạc gần đây (khoảng 36 năm, mỗi thế hệ được tính 12 năm từ lúc mới sinh đến độ tuổi trưởng thành, hoàn thiện khả năng sinh sản và có thể sản sinh thế hệ tiếp theo), số lượng voọc bạc Đông Dương suy giảm trầm trọng: chỉ trong khoảng 36 năm, thế giới đã mất đến 50% tổng số cá thể của loài này.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sa sút số lượng voọc bạc Đông Dương là nạn săn bắt bất hợp pháp, mất nơi cư trú do những tác động của việc giảm diện tích rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cùng với đó là sự suy giảm chất lượng sinh cảnh.
Ở Việt Nam Voọc bạc Đông Dương phân bố từ vùng Đông Bắc Việt Nam cho đến vùng rừng Trường Sơn và một số khu vực ở Nam Bộ, trong đó VQG Cát Tiên là một ngôi nhà xanh rộng lớn tại khu vực miền Nam cho loài này. Chúng sống theo từng nhóm nhỏ từ 5-7 con, thức ăn chính là đọt cây, lá non, hoa quả trái cây rừng. Có bản tính thận trọng, rụt rè, trong môi trường tự nhiên chúng thường lảng tránh khi có dấu hiệu xuất hiện của con người. Cũng như vượn đen má vàng, loài voọc bạc Đông Dương có sự thay đổi thú vị ở màu sắc lông từ giai đoạn con non cho đến lúc trưởng thành.
Voọc bạc Đông Dương trưởng thành có màu lông xám. Ảnh © Nguyễn Văn Cường