VQG Cát Tiên tiếp nhận cứu hộ mèo rừng dính bẫy

Ngày 7/2/2023, VQG Cát Tiên tiếp nhận cứu hộ 1 cá thể mèo rừng (tên khoa học: Prionailurus bengalensis) từ người dân phối hợp với đơn vị kiểm lâm địa phương chuyển giao nhằm mục đích cứu hộ, chăm sóc và tái thả.

Cá thể mèo rừng trên được anh Phạm Văn D. (sinh năm 1984, ngụ tại Di Linh, Lâm Đồng) phát hiện khi đi thăm rẫy cà phê. Anh D cho biết, rẫy cà phê của gia đình nằm trên một triền đất thoải, phía sau là khu vực trũng thấp ngập nước vào mùa mưa và khô cạn vào mùa nắng. Vào mùa khô, nước rút đi để lại cỏ dại và cây bụi mọc um tùm, có thể gặp các loài động vật nhỏ kiếm ăn tại đây. Khi anh phát hiện, mèo rừng đang bị dính bẫy kẹp khiến chân trước bên phải bị thương, do đó anh không thả ngay mà liên hệ đơn vị kiểm lâm đến để tiếp nhận, chuyển giao đến nơi cứu hộ, chữa trị thương tật.

Qua kiểm tra sơ bộ, cá thể mèo rừng trên đã trưởng thành, nặng 1,5kg, chân phải trước bị thương, thể trạng yếu. Hiện mèo rừng đang được giữ tại khu cách ly, chăm sóc đặc biệt để chữa trị vết thương và bồi dưỡng đến khi khỏi hẳn thì tiến hành tái thả.

Không kể đến loài hổ đã vắng bóng khỏi các cánh rừng tự nhiên nhiều năm nay, Việt Nam còn 4 loài mèo hoang dã là mèo rừng, mèo cá, mèo ri, mèo gấm (báo gấm). Đây là các loài cỡ nhỏ và vừa trong họ Mèo. Trong 4 loài kể trên tại Việt Nam, mèo rừng là loài còn số lượng trong tự nhiên nhiều hơn các loài còn lại, tuy nhiên cũng không tránh khỏi tình trạng suy giảm mạnh. Ngoài bị săn bắt để giết thịt, biến thành mồi nhậu, mèo rừng còn bị bắt làm thú cưng bởi có bộ lông đẹp. Do thiếu hiểu biết về pháp luật, có những nhà mua lại mèo rừng, mèo cá từ những tay thợ săn, đem về làm thú nuôi trong lồng đặt ngay trước sân, trước cửa nhà một cách vô tư, mà không biết mèo rừng thuộc nhóm IIB trong Sách Đỏ, được pháp luật bảo vệ và việc săn bắt – mua bán – bắt giữ và nuôi nhốt chúng là phạm pháp.

Các loài mèo hoang dã lớn như Hổ đã vắng bóng khỏi các cánh rừng tự nhiên của Việt Nam trong khoảng 20 năm nay. Bên cạnh đó, sự suy giảm của các loài mèo hoang dã cỡ vừa và nhỏ cũng không kém trầm trọng.

Các nhà sinh vật học nhận định, những loài mèo nhỏ đang chịu tổn thương và bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự phát triển không bền vững của con người đã đẩy chúng phải đối mặt với nhiều nguy cơ bởi mất sinh cảnh và xung đột lợi ích với con người.

Năm con Mèo, mong sao cộng đồng ngày càng nâng cao nhận thức về các loài mèo hoang dã, bỏ nhu cầu tiêu thụ thịt rừng, yêu động vật một cách đúng đắn hơn thay vì thỏa mãn sở thích nhốt chúng trong chuồng cũi tù túng chật hẹp, góp một tay trồng thêm cây xanh phục hồi rừng, nhằm giảm bớt áp lực đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng lên giống loài xinh đẹp, thông minh và hoạt bát này.

Tái thả thành công 3 cá thể mèo rừng
Miệt mài công tác cứu hộ động vật hoang dã tại VQG Cát Tiên

Vườn Quốc gia Cát Tiên

Thống kê truy cập

  • 12
  • 1.606
  • 34.893
  • 30.655

Theo dõi chúng tôi

© cattienvietnam

Vườn Quốc gia Cát Tiên

Theo dõi chúng tôi

Thống kê truy cập

  • 12
  • 1.606
  • 30.655

©cattienvietnam

+84 (251) 3669-228
Liên hệ