Từ công tác bảo tồn sáo tai đen ôn lại hành trình bảo tồn cá sấu nước ngọt

Giao phối trong giới động vật nhiều lúc không còn là vấn đề riêng của chúng, mà còn chiếm sự quan tâm của giới khoa học, đặc biệt là những người làm công tác bảo tồn

Nguy cơ tuyệt chủng vì… yêu nhầm

Với bộ lông xám nhạt, chiếc mỏ cam sáng nổi bật cùng với vệt lông đen đặc trưng, vẻ ngoài ngộ nghĩnh của sáo tai đen hẳn sẽ khiến cộng đồng fan hâm mộ series phim hoạt hình gia đình siêu nhân Incredible tự hỏi liệu tạo hình của nhà siêu nhân có lấy cảm hứng từ loài sáo tai đen độc đáo này không.

Chim sáo tai đen tại Victoria, Úc. Ảnh: Murraylands and Riverland Landscape Board.

Tại tiểu bang Nam Úc và Victoria, sáo tai đen đang có nguy cơ tuyệt chủng bởi môi trường sống bị chia năm sẻ bảy vì nhiều nguyên do, mà nguyên nhân chủ yếu là hiện trạng chuyển đổi cơ cấu thảm thực vật trong khu vực trở thành đất nông nghiệp, kéo theo đó là sự “lấn sân” của nhiều loài gia súc, gia cầm khác chia chác môi trường sống với sáo tai đen, khiến loài này mất đi sinh cảnh.

Một nguyên nhân trớ trêu khác là việc giao phối nhầm với sao mỏ vàng sống lân cận hoặc trong cùng khu vực. Trong khi sáo tai đen thường ít chia sẻ môi trường sống với các loài khác, thì sáo mỏ vàng từ lâu đã dễ sống chung với các loài khác hơn. Khi tồn tại trong cùng hoặc lân cận khu vực, giao phối chéo giữa 2 loài sáo này càng dễ dàng xảy ra; và kết quả của “những cuộc hôn nhân dễ dãi” này là số lượng sáo lai tăng đáng kể trong khi sáo tai đen thuần chủng giảm nghiêm trọng.

Con Lai của sáo tai đen và sáo mỏ vàng. Ảnh: Sandy Horne.

Tiến sĩ Wendy Stubbs cùng các cộng sự trong nhóm nghiên cứu sinh thái sẽ khảo sát 200 địa điểm cư ngụ ưa thích của chim sáo tai đen ở Nam Úc và Victoria để lấy mẫu gene phân tích. Từ đó, nhóm sẽ tính toán được mức độ phối giống đang diễn ra giữa hai loài và đưa ra các cách thức xác định chim thuần chủng.

Trong thời gian tới, tiến sĩ Stubbs cũng sẽ sử dụng cách “loại bỏ chiến lược” những chim sáo mỏ vàng chủ chốt khỏi môi trường sống của sáo tai đen để kéo giảm tỉ lệ “kết bạn” nhầm giữa chúng, giúp duy trì nguồn gene thuần chủng cho loài sáo tai đen. Nguồn tin: báo Tuổi Trẻ

Từ sáo tai đen ngẫm về cá sấu nước ngọt

Tương tự mối quan tâm của tiến sĩ Stubbs và cộng sự đối với tính thuần chủng của loài sáo tai đen, tại Vườn quốc gia Cát Tiên vào thời điểm hơn 20 năm trước cũng diễn ra công cuộc chọn lọc nguồn gene thuần chủng như vậy nhằm duy trì, bảo tồn và phục hồi loài cá sấu Xiêm thuần chủng.

Cá sấu nước ngọt tại Bàu Sấu, VQG Cát Tiên.

Cá sấu nước ngọt (còn gọi là cá sấu Xiêm; tên tiếng Anh: Siamese crocodile, tên khoa học: Crocodylus Siamensis), đã tồn tại từ khoảng 2,6 triệu năm trước đến nay.

Chúng từng phân bố rất rộng, trải dài trên lãnh thổ Đông Nam Á và một số vùng Indonesia; nhưng hiện nay chỉ còn lại rải rác trong địa phận Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, còn ở Malaysia và Myanmar từng có dấu vết cá sấu nước ngọt nhưng hiện chưa xác định được hiện trạng tồn tại chính xác của loài này.

Tại miền Nam Việt Nam, từ xa xưa cá sấu nước ngọt vốn là loài đặc hữu tại Bàu Sấu, VQG Cát Tiên. Do nạn săn bắt bừa bãi, khai thác thái quá để phục vụ nhu cầu lấy thịt và da, số lượng cá sấu nước ngọt suy giảm trầm trọng và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Vào khoảng năm 1992, loài này được tin là đã tuyệt chủng hoặc gần như tuyệt chủng trong tự nhiên. Sách đỏ IUCN xếp cá sấu nước ngọt vào danh sách các loài cực kỳ nguy cấp.

Dự án Phục hồi Cá sấu nước ngọt tại Bàu Sấu khởi đầu với số lượng con giống ban đầu do công ty Cá sấu hoa cà TPHCM và Thảo cầm viên TPHCM (Sở thú Sài Gòn – Saigon Zoo) hỗ trợ gửi tặng. Đối với nguồn giống này, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Cát Tiên đã thu mẫu từ máu, da và vảy, đánh dấu cẩn thận từng mẫu để gửi đi nước ngoài kiểm tra và giám định. Công tác phân tích ADN được thực hiện tại trường Đại học Queensland và Canberra (Úc).

Chỉ những cá thể cá sấu nước ngọt mang mẫu gene thuần chủng mới được mang vào tái thả tại Bàu Sấu để đảm bảo nguồn gene cá sấu tại đây không bị lai tạp. Trong giai đoạn tiếp theo trải dài suốt 5 năm từ 2000-2005, 60 cá thể cá sấu thuần chủng được huấn luyện bản năng hoang dã để tái thả trở lại Bàu Sấu.

Việc đảm bảo nguồn gene thuần chủng trong công tác bảo tồn có ý nghĩa quan trọng đối với bảo tồn nguồn gene loài, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực và cả trên quy mô toàn quốc, toàn cầu.

Đọc thêm: Hành trình hơn 20 năm phục hồi cá sấu nước ngọt tại VQG Cát Tiên

Vườn Quốc gia Cát Tiên

Thống kê truy cập

  • 23
  • 1.832
  • 35.119
  • 30.687

Theo dõi chúng tôi

© cattienvietnam

Vườn Quốc gia Cát Tiên

Theo dõi chúng tôi

Thống kê truy cập

  • 23
  • 1.832
  • 30.687

©cattienvietnam

+84 (251) 3669-228
Liên hệ