Tìm hiểu lịch sử khởi nguồn và phát triển thú vui xem chim

Không chỉ giới hạn ở nghề chơi công phu, xem chim, nhiếp ảnh chim hay đam mê birding nói chung còn song song phát triển theo hướng học thuật, và đóng góp cho công tác bảo tồn chim quý hiếm.

Từ thú vui sưu tập trở thành lĩnh vực chuyên môn 

Theo ghi nhận, từ khoảng cuối thế kỷ XVIII con người mới bắt đầu hứng thú với vẻ đẹp của chim chóc thay vì chỉ nhìn nhận chúng là nguồn lợi ích vật chất đơn thuần (chủ yếu nhìn nhận chim chóc là nguồn thực phẩm). Thoạt đầu, mối quan tâm dành cho các loài chim thịnh hành dần ở Vương quốc Anh suốt thời Victoria, nhưng chỉ dựa trên thú vui sưu tập, lấy mẫu trứng và lớp da lông của chim (để làm đồ mỹ nghệ trang trí bổ sung vào các bộ sưu tập). Giới nhà giàu nhờ mối quan hệ rộng khắp các thuộc địa để thu thập nhiều chủng loài chim trên khắp thế giới.

Mãi đến tận 1 thế kỷ sau, từ cuối thế kỷ XIX, việc bảo vệ – bảo tồn các loài chim mới được kêu gọi rộng rãi, dẫn đến các nhà sưu tầm chuyển từ việc sưu tầm mẫu vật chết sang thú vui chơi chim sống. Ở Hoa Kỳ, Hiệp hội Quốc gia Audubon được thành lập năm 1905 nhằm bảo vệ các loài chim, giảm thiểu thị trường mua bán chim nhằm mục đích lấy lông vũ; trong khi đó ở Vương quốc Anh, Hiệp hội Bảo tồn chim Hoàng gia Anh thành lập năm 1889 cũng có sứ mệnh tương tự.

Audubon (National Audubon Society, viết tắt NAS) là một trong những tổ chức phi lợi nhuận lâu đời nhất trên thế giới, được thành lập năm 1905. Hiệp hội Audubon không chỉ hỗ trợ bảo tồn các loài chim, mà cả các loài động vật hoang dã cũng như các hệ sinh thái khác trong thiên nhiên.

NAS lập ra giải thưởng Audubon Photography, dành cho cộng đồng đam mê nhiếp ảnh chim. Giải Nhiếp ảnh Audubon được tổ chức hàng năm với nhiều hạng mục đặc thù, dành cho phong phú đối tượng và chủ đề tham gia.

Thuật ngữ “bird-watching” (xem chim, ngắm chim) xuất hiện lần đầu tiên trên tiêu đề tập sách Bird Watching của tác giả Edmund Selous, năm 1901. Ở Bắc Mỹ thời bấy giờ, thay vì chỉ có thể nhận diện các loài chim bằng cách săn bắn, thì đã khả thi bằng cách sử dụng các thiết bị quang học đang dần thịnh hành, cùng với đó là những tập ghi chép, hướng dẫn điền dã, thực địa. Tập sách thực địa đầu tiên nghiên cứu, ghi nhận về các loài chim được cho là tác phẩm Các loài chim qua ống kính viễn vọng (Birds through an Opera Glass, 1889) của nhà điểu học nữ Florence Bailey.

Từ giai đoạn này các thuật ngữ bird-watching, bird-watcher, birding, birder dần xuất hiện và ngày càng phổ biến rộng rãi trong giới yêu thích tìm hiểu về các loài chim, đồng nghĩa với việc quan sát, nhìn ngắm chim trong tự nhiên không chỉ là một thú vui mà đối với một cộng đồng nhất định, đây còn là các hoạt động quan sát, nghiên cứu chuyên biệt về lớp Chim, trong bối cảnh ngành sinh vật học với các hoạt động, công trình nghiên cứu hệ động vật nói chung.

Thoạt đầu, việc ngắm chim chỉ giới hạn ở các nước phát triển như Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Khoảng từ nửa sau thế kỷ XX, niềm đam mê ngắm chim cùng với đó là sự phát triển của nhiếp ảnh chim dần lan rộng sang các nước đang phát triển trên thế giới, ngày càng có nhiều người tham gia những hoạt động này. Như vậy, mất khoảng 1 thế kỷ để hoạt động quan sát, tìm hiểu về lớp chim từ một thú vui sưu tập trở thành một lĩnh vực chuyên biệt, và mất hơn 1,5 thế kỷ để các hoạt động xem ngắm, quan sát, tìm hiểu về các loài chim trở nên phổ biến trên thế giới. 

“Birding” tại Vườn quốc gia Cát Tiên: trải nghiệm không dành cho người thiếu kiên nhẫn

Đam mê nào cũng đòi hỏi đánh đổi nhất định. Chủ đề động vật hoang dã vốn đã là chủ đề khó, khi quyền quyết định thành bại của chuyến săn ảnh thuộc về thiên nhiên nhiều hơn người cầm máy, thì nhiếp ảnh chim là một phần đặc thù, chuyên biệt trong nhiếp ảnh động vật hoang dã dường như lại càng cam go hơn, và đòi hỏi các tay máy không chỉ có đam mê sâu sắc mà còn phải dày công tìm hiểu, vun đắp kiến thức về từng loài chim cụ thể, từng sinh cảnh cụ thể, có sự chuẩn bị chu đáo, và tính kiên nhẫn cao độ. Có như thế mới nắm bắt được những khoảnh khắc ngắn ngủi tính bằng giây mà thiên nhiên để lọt vào ống kính của các tay máy. 

“Khoảnh khắc chú chim lọt vào tầm ngắm ống kính để chụp cực kỳ ít ỏi, tính bằng từng giây, đòi hỏi phải bấm máy cực nhanh… và may mắn cũng là yếu tố quan trọng.” – nhiếp ảnh gia Thuần Võ.

“Dân thứ thiệt chụp chim hoang dã phải hiểu được tập tính của mỗi loài chim. Loài chim đó tên Việt Nam, tên tiếng Anh lẫn tên khoa học là gì, sống ở đâu, di cư từ đâu đến, môi trường sinh sống, sống khu vực nào, độ cao bao nhiêu… ai cũng biết.” – nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu

Chụp chim hoang dã là thú chơi gian khổ, khi vài loài ít ỏi chim phổ biến ở các công viên, khu dân cư đã trở nên quá nhàm chán, quen thuộc, các tay máy phải tìm về rừng già, lặn lội băng rừng vượt suối, ẩn mình hàng giờ ở những sinh cảnh khác nhau tùy theo từng loài chim để phục kích, chờ chim ra là bấm (máy). Do đó, tưởng chừng thú vui được nhìn ngắm, chụp ảnh chim hoang dã chỉ dành cho “nhà có điều kiện”, rộng rãi tài chính đầu tư thiết bị, dư dật tiền bạc và thời gian bám rừng hàng giờ, hàng tuần.

Ở VQG Cát Tiên, không kể đến đối tượng nhiếp ảnh chim hoang dã chuyên nghiệp, những tay máy nghiệp dư và cả những du khách chưa có sự chuẩn bị sâu kiến thức, hiểu biết về các loài chim vẫn có thể tham gia tour xem chim được thiết kế đặc biệt dành cho đối tượng yêu thích và đam mê vẻ đẹp của những loài chim quý hiếm nơi đây.

Du khách dạo rừng buổi sáng sớm và buổi chiều khi trời vừa dịu nắng có thể dễ dàng bắt gặp công lục má vàng – loài công bản địa duy nhất của Việt Nam, và nhiều chim muông khác như gà rừng, nai sambar, mễn,… ở các trảng cỏ từ khu vực Trung tâm Hành chính Vườn đến Kơ nia lữ quán, đến trạm kiểm lâm Tà Lài. Ở Bàu Sấu, các loài chim nước như le nâu, diệc lửa, cò bợ, trích cồ… không ngày nào không xuất hiện, bay lượn trước tầm mắt du khách. Hầu như dưới mọi tán cây trong rừng Cát Tiên đều có bóng dáng của nhiều loài chim, có chăng là những loài phổ biến như chích chòe, gõ kiến, cò trắng, cò bợ… hay may mắn gặp được loài quý hiếm như đuôi cụt cánh xanh, đuôi cụt bụng vằn, gà tiền mặt đỏ, gà lôi hông tía, hồng hoànggià đẫy

Để tăng cao khả năng có thể nhìn ngắm, săn ảnh các loài chim quý, Vườn đã thiết kế những tour đưa du khách đến các bird sites cụ thể, đi kèm với hướng dẫn địa phương am hiểu, để du khách có cơ hội tiếp cận và quan sát các loài chim hiếm, quý dễ dàng hơn, và đến được gần hơn, chiêm ngưỡng rõ hơn vẻ đẹp của các loài chim hoang dã tại VQG Cát Tiên.

Vườn Quốc gia Cát Tiên

Thống kê truy cập

  • 18
  • 1.646
  • 34.933
  • 30.661

Theo dõi chúng tôi

© cattienvietnam

Vườn Quốc gia Cát Tiên

Theo dõi chúng tôi

Thống kê truy cập

  • 18
  • 1.646
  • 30.661

©cattienvietnam

+84 (251) 3669-228
Liên hệ