Đây là loài nấm được phát hiện trong quá trình điều tra khảo sát khu hệ nấm lớn của vườn quốc gia cát tiên, là phát hiện bổ sung mới cho khu hệ nấm lớn của việt nam, hiện đang được tiến hành các nghiên cứu sâu hơn để được công nhận là loài mới cho khoa học. nuôi trồng thành công loài nấm này là một kết quả quan trọng, mở ra triển vọng mới trong việc nghiên cứu nuôi trồng các loài trong nhóm nấm hương Shiitake.
Khái quát về chi nấm hương Lentinula Earle
Tên gọi – danh pháp khoa học của chi nấm hương Lentinula đầu tiên xuất hiện ở Hoa Kì, do nhà nấm học Earle xác định cho loài chuẩn: Lentinula cubensis, tìm thấy ở Cuba, Trung Mỹ, khi ấy là duy nhất cho chi mới tách ra từLentinus Fr., vào năm 1909, dựa vào mẫu vật do Berkeley và Curtis xác lập: Lentinus cubensis Berk. & Curt. (1869). Thực ra đó là đồng nghĩa (synonym) của một tên loài trước đó: Agaricus boryanus Berk. & Mont. (1849) – tức là sớm hơn 20 năm.
Trải qua nhiều nhầm lẫn, lặp lại, hơn 100 năm sau, Giáo sư Rolf Singer ở Trường Đại học Tổng hợp Vienna, Austria mới khẳng định tính ưu tiên của định ngữ loài và chỉnh lí là: Lentinus boryanus (Berk. & Mont.) Singer (1955).
Cũng lại 20 năm sau đó, Giáo sư Pegler (1975) ở Vườn Thực vật Hoàng gia Kew, Anh Quốc, mới kết hợp tính đúng đắn của Earle và Singer khi xác lập loài chuẩn: Lentinula boryana (Berk. & Mont.) Pegler. Và do vậy lần đầu tiên năm 1975 – nấm hương – Shiitake – loài có ý nghĩa và giá trị trọng tâm nhất được chỉnh lí danh pháp và vị trí phân loại chính xác: Lentinula edodes (Berk.) Pegler. Ở Việt nam ít ai biết rõ vấn đề này. Công trình chuyên khảo của Pegler (1983) về Lentinula đã bao hàm 5 loài xác định là: Lentinula boryana (loài chuẩn), Lentinula guarapiensis, Lentinula lateritia, Lentinula novaezelandieae, Lentinula edodes.
Loài phát hiện ở Vườn Quốc gia Cát Tiên Lentinula platinedodes được dự kiến là loài mới cho khoa học. Đây là loài nấm quý thuộc nhóm nấm hương Shiitake, vốn chỉ được phát hiện và nuôi trồng tại các vùng có khí hậu lạnh, lại được phát hiện ở vùng có khí hậu nhiệt đới điển hình như Vườn quốc gia Cát Tiên là một điều hiếm thấy. Phát hiện này mở ra triển vọng có thể tiến hành các nghiên cứu lai tạo để tạo ra các chủng nấm hương chịu nhiệt có thể nuôi trồng ở những vùng có khí hậu nóng.
Mô tả chuẩn nấm hương Lentinula platinedodes sp. nov. Cát Tiên
Mẫu thu năm 2007 và 2011 tại khu vực Thác Trời – Vườn quốc gia Cát Tiên. Mũ nấm có đường kính 3,5 – 5,5 cm, màu trắng ngà, vàng sang, nâu sậm đến nâu nhạt tùy thuộc vào độ tuổi nấm và điều kiện độ ẩm khi thu hái. Tán nấm ban đầu khum dần phẳng khi trưởng thành, đôi khi bị lõm ở phần đỉnh. Khi còn non thường có các vảy nhỏ màu trắng bám thành các đường tròn đồng tâm đặc biệt rõ ở phía mép tán, khi nấm còn non ở dạng nụ thường có các vảy màu nâu đặc trưng khá rõ, đặc biệt ở vùng trung tâm tán nấm, tuy nhiên đặc điểm này nhanh chóng bị mất đi khi nấm trưởng thành, khi trưởng thành tán nấm gần như nhẵn. Phiến nấm màu trắng, xếp xít nhau. Cuống nấm hình trụ, màu trắng, chắc mập, thường có các lông nhỏ dạng sợi, cuống nấm cấu tạo bởi các bó sợi, đường kính từ 1 – 1.5 cm, thường đính ở tâm tán nấm. Thịt nấm màu trắng, trắng kem, hơi dai và xốp.
Bụi bào tử màu trắng, bào tử trong suốt, 5-6 x 2-3 (5.7±0.3 x2.7±0.2) mm, hình elip thon, màng mỏng, nội chất ít đậm đặc. Đảm bào 15-17 x 3-4 mm , hẹp, hình chùy. Phiến sắc cạnh, hữu thụ. Lõi tầng sinh bào tử không đều, trong suốt, ít hay nhiều sợi khuẩn ty giống nhau, có đường kính 5-12mm. Hệ sợi trong lớp tầng sinh bào tử hòa lẫn với nhau. Sợi đơn điệu có màng mỏng, đường kính 4-5,7mm.
Nghiên cứu nuôi trồng thử nghiệm
Giống nấm được phân lập trên môi trường PGA (Potato Glucose Agar) cải tiến, đây cũng là môi trường tách giống thuần khiết và khảo sát hệ sợi trên môi trường thạch cho thấy tơ nấm phát triển tốt trên môi trường có thành phần cho một lít là: 200 g khoai tây, 100 g cà rốt, 1 g peptone, 100 g giá đỗ, 15g Agar. Giống nấm hiện đang được lưu giữ tại phòng thí nghiệm nấm Cát Tiên.
Giống nấm thuần khiết được nhân giống cấp 2, nhân giống sản xuất trên môi trường hạt và cọng mỳ. Tơ nấm phát triển rất tốt, thời gian nhân giống cho sản xuất từ 20 – 25 ngày ở nhiệt độ phòng khoảng 30 đến 31 độ c. Mùn cưa tạp được xử lý và bổ xung dinh dưỡng là cơ chất chủ yếu được chúng tôi sử dụng để nghiên cứu nuôi trồng thử nghiệm. Kết quả nuôi trồng thử nghiêm rất khả quan.
Nấm lan kín bịch cơ chất trong khoảng 30 – 35 ngày, tiến hành lột bịch để đưa vào nhà tưới đón nấm. Qúa trình hóa nâu bịch diễn ra khoảng 1 ,5 – 2 tháng sau đó. Độ ẩm phòng giữ ở khoảng 80% bằng việc thường xuyên tưới phun sương vào khu vực nuôi nấm. Trong khoảng thời gian khá dài khoảng 4 tháng kể từ khi đưa ra nhà tưới nấm mới hình thành mầm thể quả, nấm trưởng thành và được thu hoạch trong khoảng 7 – 10 ngày, thời gian ra đợt nấm tiếp theo là từ 10 – 15 ngày.
Mầm thể quả khi mới hình thành trông khá giống với nấm hương chuẩn Lentinula edodes, màu nâm sậm, có nhiều vảy nhỏ và có màng mỏng ở phiến nấm. Tuy nhiên đặc điểm này nhanh chóng mất đi, tán nấm dần chuyển thành màu trắng kem, vàng nhạt, gần như nhẵn (điều này khá phù hợp với các mẫu vật thu được ngoài tự nhiên), tán nấm phát triển mạnh dần trở nên khá lớn có thể đạt kích thước 15 cm, trở nên lượn sóng và đôi khi bị xẻ thùy (thường không hay thấy ngoài tự nhiên). Các đặc điểm này đưa đến giả thuyết rằng loài mới L. platinedodes thực chất là dạng phân hóa sinh địa học nhiệt đới của L. edodes (vì thế nên dạng còn non của L. platinedodes thể hiện lại kiểu hình của L.edoes). Như vậy có thể cho rằng L. edodes là loài trung tâm, gần nhất với nhóm tổ tiên của Lentinula, khi phát tán sang các vùng nhiệt đới đã phân hóa mạnh, có lẽ nhánh phát tán sang châu Mỹ cũng từ L. edodes qua châu Âu và qua eo biển Berrhing từ hơn 34 triệu năm về trước (Hibbett, 2001). Sự phân hóa tiếp tục đã dẫn đến sự hình thành các loài dẫn xuất khác như: L. aciculospora, L. boryana và L. raphanica. [1]