Mùa mưa ở những cánh rừng nhiệt đới ẩm, nhất là ở miền Nam, là mùa giàu sức sống bởi cánh bướm rập rờn, bởi tiếng kêu vang rền hơn của các loài côn trùng kèm theo đó là chim chóc hoan ca. Mùa mưa cũng là thời điểm rừng xanh tươi hơn, phong phú sắc màu hơn với nhiều loài nấm đẹp.
Trong hành trình khám phá những con đường mòn xuyên rừng mưa nhiệt đới Cát Tiên, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những “chiếc phễu” nhỏ với lớp lớp vòng vân đẹp mọc từng cụm trên thân gỗ mục ẩm ướt. Đó chính là một loài nấm nhiều lỗ thuộc họ Polyporaceae (Polypore), bộ Nấm nhiều lỗ. Bằng mắt thường, chúng ta hầu như không thể thấy được cấu trúc vô số lỗ nhỏ chi chít ở mặt dưới tán nấm màu trắng, bởi mật độ trung bình 8-10 lỗ trong một tiết diện chỉ khoảng 1 milimét vuông. Do vậy, loài NẤM ỐNG NHỎ CHÂN VÀNG này không gây cảm giác rùng mình e ngại cho những ai mắc hội chứng sợ lỗ.
Nấm phễu chân vàng (tên khoa học Microporus xanthopus) được Kuntze mô tả vào năm 1898, có tên thông dụng trong tiếng Anh là Yellow-footed Polypore. Tiếng Việt gọi chung chung dựa theo hình dáng là nấm phễu. Trong tài liệu Hội nghị khoa học toàn quốc về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 5, gọi tên loài là NẤM ỐNG NHỎ CHÂN VÀNG, dựa theo tên chi Nấm ống nhỏ (1). Trên thế giới có khoảng 11 loài thuộc chi này (2).
Chúng thường mọc trên những cây gỗ mục ẩm ướt, trên nền lá mục, hoặc cả trên lớp vỏ ẩm mục của những cây gỗ còn đang tươi tốt trong các khu rừng nhiệt đới ẩm ở Đông Nam Á, châu Úc và châu Phi, nhưng hầu như không thấy ở châu Mỹ.
Có kích thước từ bé xíu đến lớn nhất khoảng 15cm đường kính, mũ nấm hình thành từ chất gỗ-bì do đó dai nhẵn và không thấm nước, có hình dạng trông như một chiếc phễu nhỏ màu vàng nâu, vàng nhạt, nâu, đỏ hung, đôi khi ngả chút sắc tím, xen kẽ nhiều vòng vân gợn sóng đồng tâm sẫm màu, cuống thuôn mảnh màu vàng bám vào lớp vỏ cây, thân gỗ mục, nấm phễu chân vàng mang một vẻ đẹp nhỏ nhắn giản dị. Một số quả thể nấm phễu chân vàng không phát triển hình phễu mà thành hình vòng cung, hình bán nguyệt, đôi khi dễ nhầm lẫn với các loài nấm vân chi thuộc chi Trametes cùng nhà Polyporaceae bởi những vòng vân tương đồng.
Màu sắc dễ lẫn vào nền rừng của chúng trở nên đặc biệt lung linh khi được mưa hoặc sương sớm gội ướt. Nấm phễu chân vàng có quả thể tương đối khô ráo, dai và không thấm nước, không úng rữa, nên có thể giữ được rất lâu đến hàng tháng trong môi trường rừng. Một khóm nấm phễu nảy nở từ đầu mùa mưa có thể tồn tại đến tận cuối mùa khô tiếp theo, chỉ dần phai mất màu sắc và ngày càng dai khi khô đi.
Mùa mưa là thời điểm đẹp nhất để nhìn ngắm nấm phễu chân vàng trên chuyến khám phá rừng Cát Tiên: có thể gặp chúng ở khắp những nơi ẩm ướt và râm mát, lúc chúng đang ở sắc độ tươi mới long lanh nhất. Nấm phễu có thể mọc đơn lẻ một quả thể, nhưng thường thấy mọc thành từng cụm nhỏ đến từng vạt nấm lớn. Nếu bạn bắt gặp một vạt nấm phễu chi chít phủ kín thân gỗ mục, thật may mắn: chắc chắn bạn sẽ lưu lại được những tấm ảnh đẹp đáng nhớ về chuyến khám phá rừng nhiệt đới của mình.
(1) Ghi nhận ban đầu về thành phần loài nấm lớn tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước; Nguyễn Phương Thảo, Lưu Hồng Trường, Vương Đức Hòa, Võ Huy Sang; báo cáo trong Hội nghị khoa học toàn quốc về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 5, năm 2013
(2) Nghiên cứu chi Nấm ống nhỏ Microporus ở Việt Nam; Trịnh Tam Bảo, U. Graefe và Trịnh Tam Kiệt; đăng trên chuyên san Công nghệ sinh học – Di truyền học và ứng dụng, số 5 – năm 2009
Tham khảo: Polypore; Wikipedia, Microporus xanthopus; Australian fungi