17 năm trôi qua kể từ ngày 04/08/2005, khi Việt Nam tiếp tục có thêm một Khu Đất ngập nước có tầm quan trọng thế giới (khu Ramsar): khu đất ngập nước Bàu Sấu nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên. Gắn liền với Dự án Khôi phục cá sấu nước ngọt hoang dã, Bàu Sấu là một dấu son trong công tác bảo tồn của VQG Cát Tiên nói riêng, của Việt Nam và cả thế giới nói chung.
Tầm quan trọng của những vùng đất ngập nước
Đất ngập nước được đánh giá là hệ sinh thái rất quan trọng bởi làm gia tăng sự đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì nguồn nước ngọt sẵn có, cung cấp nguyên liệu cho nền kinh tế thế giới.
Đất ngập nước được đánh giá là hệ sinh thái rất quan trọng bởi làm gia tăng sự đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì nguồn nước ngọt sẵn có, cung cấp nguyên liệu cho nền kinh tế thế giới.
Đất ngập nước duy trì sự sống, đảm bảo sự thịnh vượng, hạnh phúc và tồn tại của con người trên Trái Đất. Khi con người phá hủy các vùng đất ngập nước, đồng nghĩa với việc tự phá hủy cuộc sống của chính mình. Các vùng đất ngập nước đang biến mất nhanh hơn 3 lần so với rừng và là hệ sinh thái bị đe dọa nhiều nhất trên Trái Đất. Chỉ trong vòng 50 năm, kể từ năm 1970, 35% diện tích đất ngập nước trên thế giới đã bị mất đi. (1)
Diện tích đất ngập nước trên thế giới ước tính khoảng 12,1 triệu km2, chiếm diện tích lớn hơn Greenland. Hơn 2,300 khu Ramsar của thế giới chiếm khoảng 13-18% tổng diện tích đất ngập nước của cả thế giới.

Công ước về các vùng Đất ngập nước (Công ước Ramsar, Iran, 1971) là hiệp ước quốc tế với sứ mệnh “bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua các hành động của địa phương, khu vực, quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới” với sự tham gia của 172 quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam chính thức tham gia Công ước Ramsar kể từ năm 1989 qua sự kiện VQG Xuân Thủy được công nhận là khu Ramsar thế giới đầu tiên của Việt Nam.
Bàu Sấu, khu Ramsar thứ 2 của Việt Nam
Nối tiếp Vườn quốc gia Xuân Thủy, vào năm 2005, Bàu Sấu nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên được công nhận là khu ramsar thứ 1,499 của thế giới, đồng thời là khu Ramsar thứ hai của Việt Nam.

Với diện tích 13,759 hecta bao gồm các khu vực ngập nước quanh năm và khu vực ngập nước theo mùa, các cụm cồn, hòn, và vùng thảm xanh bao quanh, trong đó diện tích đất ngập nước vào mùa mưa ước tính đạt 5,360 ha, và thu hẹp lại còn 151 ha vào cao điểm mùa khô, Bàu Sấu thuộc vùng đất thấp trong lõi rừng mưa nhiệt đới quan trọng nhất của miền Nam Việt Nam.

Một phần lớn diện tích đất ngập nước tự nhiên ở vùng đất thấp này đã trải qua tương đối ít tác động của con người. Nơi đây là môi trường sống quan trọng của các loài động thực vật bị đe dọa, có nguy cơ tuyệt chủng. Bàu Sấu xưa nay vốn là quê hương của không chỉ hàng trăm cá sấu nước ngọt thuần chủng mà cả nhiều loài chim và động vật quý hiếm khác, cùng với một hệ thực vật sinh cảnh đất ngập nước phong phú.

Thống kê số liệu của các khu Ramsar (năm 1999 và năm 2001) đã xác nhận tại khu đất ngập nước Bàu Sấu, VQG Cát Tiên có sự hiện diện của 82 loài động vật có vú, số lượng chim vô cùng phong phú với 318 loài, 58 loài bò sát và 28 loài lưỡng cư. Tổng số loài sinh sống trong sinh cảnh Bàu Sấu Cát Tiên là 486 loài, có sự đa dạng sinh học cao nhất trong danh sách các vườn quốc gia tại Việt Nam được so sánh trong cùng bảng số liệu (bao gồm các VQG Cúc Phương, Yok Đôn, Ba Vì, Bạch Mã, Ba Bể, Bến Én, Côn Đảo, Cát Bà).
Những số liệu trên đã chứng minh Cát Tiên là một trong bốn VQG rộng nhất tại Việt Nam, có sinh cảnh phong phú, hệ sinh thái đa dạng, lý tưởng cho các loài động vật, thực vật được tự do sinh trưởng và phát triển.
Thừa hưởng món quà của tự nhiên là sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú sẵn có, ngay từ giai đoạn sơ khởi hình thành, VQG Cát Tiên đã tích cực tiếp thu và phát triển nhiều mô hình hoạt động trong công tác cứu hộ – tái thả, bảo tồn và phát triển sinh cảnh, đảm bảo phúc lợi của động vật, nhằm trân trọng, giữ gìn hệ sinh thái, hệ động thực vật quý hiếm được thiên nhiên ban tặng.
(1) (2) Nguồn thông tin và số liệu: Ramsar Sites Information Service
Bàu Sấu và hành trình 20 năm bảo tồn cá sấu nước ngọt
Công ước Ramsar là gì? Việt Nam là thành viên thứ mấy của công ước Ramsar?
VQG Cát Tiên cứu hộ gấu chó nuôi nhốt cuối cùng từ Bình Phước