Trong tuần này, tập huấn Hướng dẫn viên tại điểm đã diễn ra xuyên suốt 5 ngày 22-26/8/2022 tại VQG Cát Tiên. Chương trình tập huấn được tài trợ bởi Tổ chức Hợp tác Lâm nghiệp Châu Á (Asian Forest Cooperation Organization; viết tắt AfoCo), do Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (Center for Nature Conservation and Development; viết tắt CCD) phối hợp VQG Cát Tiên điều phối thực hiện.
Chương trình tập huấn nhằm trau dồi kiến thức và làm giàu kỹ năng hướng dẫn tại điểm cho cán bộ Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ VQG Cát Tiên, cùng với các cộng tác viên cộng đồng thuộc 3 xã vùng đệm: Nam Cát Tiên, Tà Lài, Đắk Lua.
Dưới sự dẫn dắt của PGS.TS. Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Th.S. Phạm Xuân An – Khoa Du lịch và Ẩm thực, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, tập huấn được thiết kế với nhiều hoạt động chủ động tiếp cận kiến thức và rèn luyện kỹ năng nhằm khuyến khích sự chủ động trao đổi, chia sẻ giữa các học viên tại lớp như các hình thức hỏi-đáp, thảo luận nhóm,… đồng thời làm giàu sự năng động của học viên bằng phương pháp thực hành trong các tour thực tế tham quan tuyến điểm rừng nhiệt đới, tham quan tuyến điểm văn hóa dân tộc bản địa của 2 cộng đồng đồng bào Châu Mạ và Stiêng ở xã Tà Lài.
PGS.TS. Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thảo luận nhóm hăng hái sôi nổi là một trong những hình thức học của chương trình. Ảnh: Nguyễn Công Toại – CCD.
Chuyến thực tế tuyến điểm rừng nhiệt đới đưa nhóm học viên đến những điểm tham quan quen thuộc, nhưng lần này với tâm thế năng động hơn, tiếp cận tuyến điểm từ nhiều góc nhìn mới mẻ hơn, hướng học viên đến việc tích cực đưa ra những cách thuyết minh, giới thiệu hấp dẫn và truyền cảm hứng nhiều hơn đến du khách.
Học viên lên xe chuẩn bị xuất phát thăm rừng.
Chiếc cầu gỗ bắc qua đập tràn để du khách vượt qua dòng nước tràn con đường bê tông chính dẫn vào rừng vào mùa mưa.
Học viên tiếp cận các tuyến điểm quen thuộc với tâm thế mới mẻ hơn, phương pháp chủ động và sáng tạo hơn.
Tương tự, chuyến tham quan làng Châu Mạ – Stiêng trong nửa ngày tiếp theo cũng là dịp để học viên ôn lại những nét văn hóa bản địa, cập nhật hiện trạng và chất lượng dịch vụ du lịch tại địa phương, tìm tòi thêm những nét quý giá của nền văn hóa đồng bào thiểu số trong khu vực như nghề dệt thủ công, nghề đan gùi truyền thống, tiếng đàn truyền thống,… để có nền tảng truyền tải, giới thiệu đến du khách vùng xa.
Dừng chân tại cửa rừng chụp ảnh lưu niệm trước bảng VQG Cát Tiên.
Tham quan, tìm hiểu văn hóa đồng bào Châu Mạ, Stiêng tại xã Tà Lài.
Kết thúc chương trình tập huấn, học viên có thể:
✔️ Thuyết minh, giới thiệu về tài nguyên du lịch tại địa phương và VQG Cát Tiên
✔️ Biết thêm về các kiến thức liên quan đến văn hóa địa phương, kiến thức về tài nguyên rừng, về sự đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên
✔️ Thực hiện dịch vụ hướng dẫn địa phương đạt chất lượng phục vụ khách du lịch
✔️ Thực hiện các chương trình hướng dẫn tham quan du lịch tại địa phương tuân theo nguyên tắc vệ sinh và an toàn
✔️ Cung cấp chất lượng dịch vụ du lịch hài lòng du khách
Các khóa tập huấn, những chương trình học tập bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ luôn là một trong những ưu tiên và mối quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực nhân sự tại VQG Cát Tiên. Xuyên suốt kể từ đầu mùa hè, tại Vườn đã diễn ra nhiều chương trình tập huấn về biến đổi khí hậu, về công tác truyền thông bảo tồn các loài hoang dã, tập huấn ứng dụng công nghệ (phần mềm Smart) vào quản lý rừng, … và gần nhất là tập huấn nâng cao năng lực hướng dẫn viên tại điểm trong những ngày vừa qua.
Hồ chủ tịch từng căn dặn, “Vì lợi ích mười năm: trồng cây; vì lợi ích trăm năm: trồng người”. Hiểu được giá trị của rừng, của nguồn nhân lực, tại VQG Cát Tiên việc trồng cây phục hồi – bảo vệ rừng và công tác “trồng người” luôn được bồi dưỡng, phát triển song song.
Tổ chức Hợp tác Lâm nghiệp Châu Á (AfoCo) là một tổ chức liên chính phủ ở Châu Á nhằm tăng cường hợp tác về rừng bằng cách chuyển đổi công nghệ và chính sách đã được chứng minh thành các hành động cụ thể trong bối cảnh quản lý rừng bền vững nhằm giải quyết tác động của biến đổi khí hậu.
Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (Center for Nature Conservation and Development; viết tắt CCD) là một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam hoạt động độc lập trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học và các vấn đề phát triển bền vững.