Ngày 31/5/2023, Hội thảo “Tham vấn về giá trị lợi ích kinh tế cho bảo tồn đa dạng sinh học gắn với cải thiện sinh kế cho người dân vùng đệm VQG Cát Tiên” đã diễn ra tại VQG Cát Tiên. Đây này là hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Đa dạng sinh học các Hệ sinh thái rừng tại VQG Cát Tiên, do Tổ chức Hợp tác Lâm nghiệp Châu Á (AFoCO) tài trợ.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện AFoCo thực hiện và điều phối Dự án, Ban Giám đốc VQG Cát Tiên, PGS.TS Đỗ Anh Tuân (trường ĐH Lâm nghiệp), TS. Đỗ Thị Hường (Trung tâm NC Phát triển nông thôn bền vững và Viện QLDD và PTNT), các chuyên viên dự án và nhóm chuyên gia thực hiện gói thầu. Các đại biểu khu vực Tân Phú, Đồng Nai tham gia trực tiếp và các đại biểu tại Hà Nội tham gia trực tuyến.
Hội thảo nhằm tổng kết kết quả tham vấn cán bộ quản lý cấp xã, chuyên gia, các hộ dân để nhận diện các lợi ích, tiềm năng phát triển kinh tế trong tương lai tại khu vực vùng đệm VQG thực hiện dự án, tham luận kết quả thực hiện phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng, từ đó đúc kết kết quả, đóng góp ý kiến tiếp tục xây dựng và phát triển dự án.
Hội thảo nhấn mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học phải gắn liền với phát triển sinh kế địa phương tại vùng đệm VQG. Những bài học kinh nghiệm quốc tế được đưa ra tham khảo, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam. Phát triển sinh kế khi gắn kết với bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng địa phương sẽ mang tới hiệu quả thực tiễn cao.
Đối với công tác phát triển sinh kế cho người dân vùng đệm các vườn quốc gia, các khu bảo tồn, thì bên cạnh sản xuất nông lâm nghiệp, du lịch sinh thái là một trong những giải pháp bền vững và hiệu quả nhất. Do đó Dự án rất quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch sinh thái ở địa phương các xã vùng đệm VQG Cát Tiên. Đặc biệt xã vùng đệm Tà Lài còn có thế mạnh khi kết hợp du lịch sinh thái với du lịch văn hóa bản địa – truyền thống, khi đây là nơi tập trung đông đảo đồng bào người Châu Mạ, người S’tiêng ở tỉnh Đồng Nai với nền văn hóa đặc trưng, như kiến trúc nhà dài truyền thống, nghề dệt truyền thống, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng như cồng chiêng, và nền ẩm thực địa phương phong phú, ngọt lành với nhiều món ăn đặc sản ngon lạ, độc đáo.
VQG Cát Tiên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng phát triển sinh kế vùng đệm dồi dào. Ảnh © GIZ Bình Đặng
Tại Hội thảo, các báo cáo đưa ra nhận xét rằng việc phát triển sinh kế địa phương gắn kết với bảo tồn đa dạng sinh học hiện vẫn chưa được khai thác xứng đáng với tiềm năng sẵn có. Nhiều mô hình phát triển kinh tế trong các lĩnh vực trên đã được nêu ra để đánh giá hiệu quả, thảo luận và đề xuất những sáng kiến để xây dựng, phát triển các mô hình dần hoàn thiện hơn.
Hội thảo cũng đánh giá các giá trị kinh tế khác của Vườn quốc gia Cát Tiên, như dịch vụ cho thuê môi trường rừng, việc nhận khoán bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục – truyền thông cũng luôn được coi trọng thông qua các động thái đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng người dân, đến giới trẻ và đối tượng học sinh – sinh viên, khuyến khích các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học tại Vườn.