Trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức Hội thảo cấp cao về “Định hướng và giải pháp tài chính bền vững cho các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn” vào ngày 18/3/2023, tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên.
Hội thảo diễn ra long trọng với sự chủ trì của ông Lê Minh Hoan – Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT dẫn đầu, và bà Kirsten Schuijt – Tổng Giám đốc WWF quốc tế. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Sở Nông nghiệp (NN) Hà Nội, đại diện UBND và Sở NN các tỉnh: Phú Thọ, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai và Đồng Tháp; đại diện 16 VQG: Ba Vì, Bạch Mã, Bidoup – Núi Bà, Bù Gia Mập, Côn Đảo, Cúc Phương, Núi Chúa, Phong Nha – Kẻ Bàng, Pù Mát, Sông Thanh, Tà Đùng, Tam Đảo, Tràm Chim, U Minh Thượng, Vũ Quang và Yok Don; đại diện 6 đơn vị quản lý rừng đặc dụng: Khu Bảo tồn (KBT) Thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong, KBT Sao La Thừa Thiên Huế, KBT Sao La Quảng Nam, KBT Cảnh quan và rừng ngập mặn Trà Sư, KBT Đất ngập nước Láng Sen.
Phát triển bền vững trên nền tảng tài chính bền vững luôn là định hướng hàng đầu
Hội thảo tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn. Phát triển bền vững trên nền tảng tài chính bền vững luôn là định hướng trọng yếu cho các VQG và Khu bảo tồn tại Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, nguồn lực tài chính chủ yếu của các VQG và KBT tại Việt Nam cho đến nay vẫn đến từ nguồn ngân sách công, mà ngân sách công thì có hạn và đòi hỏi nhiều thủ tục. Trong khi đó, nguồn lực tự nhiên, nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người hiện có tại các VQG và KBT ở Việt Nam là rất đa dạng, dồi dào nhưng lại chưa phát huy đủ và đúng thế mạnh.
Theo đó, để hướng đến mục tiêu tài chính bền vững, cần phải giải được những bài toán:
(1) Làm thế nào để thu hút các nguồn lực tài chính xã hội hóa trong và ngoài nước đầu tư phát triển bền vững rừng đặc dụng
(2) Các sáng kiến, kinh nghiệm huy động tài chính quốc tế, xã hội hóa cho công tác bảo tồn
(3) Những cơ chế chính sách cần chỉnh sửa bổ sung để huy động nguồn lực đầu tư cải thiện sinh kế của người dân sống gần rừng, nâng cao đời sống của cán bộ làm nghề rừng
(4) Chia sẻ các mô hình quản lý các VQG, khu bảo tồn; cơ chế chia sẻ lợi ích với cộng đồng, người dân sống gần rừng
(5) Đề xuất các ý tưởng phát triển các nguồn thu dịch vụ, phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: sự đa dạng sinh học và các hệ sinh thái rừng đang phải đối mặt với sức ép rất lớn từ khoảng hơn 25 triệu người đang sinh sống gần các khu rừng đặc dụng của Việt Nam và khoảng 20% sinh kế của họ phụ thuộc vào rừng và các lâm sản ngoài gỗ.
Theo các báo cáo khoa học cho thấy khoảng 700 loài động thực vật hiện đang bị đe dọa cấp quốc gia, trong đó có 300 loài bị đe dọa trên toàn cầu. Các nguyên nhân chính dẫn tới suy giảm đa dạng sinh học bao gồm: việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước thiếu hợp lý; khai thác, tiêu thụ quá mức đa dạng sinh học; số vụ vi phạm về buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn còn cao. Điều này làm giảm khả năng phục hồi của các hệ sinh thái tự nhiên và các hệ sinh thái rừng.
Nhiều giải pháp tài chính bền vững được đưa ra tại Hội thảo
Tuy nhiên, để làm tốt chức năng bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu, các VQG và KBT cần giải được bài toàn tài chính, và nguồn lực tài chính phải bền vững thì mới đạt được chức năng và nhiệm vụ của các khu rừng đặc dụng này.
Theo báo cáo Đánh giá Nhu cầu Tài chính (BIOFIN) của các KBT tại Việt Nam do UNDP thực hiện năm 2019, ước tính, để thực hiện tốt chức năng bảo vệ đa dạng sinh học, các KBT của Việt Nam đang thiếu hụt ngân sách khoảng 5,7 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn 2018-2030. Và nếu diện tích các KBT được mở rộng thêm 697.000ha, số ngân sách thiếu hụt là 7,2 tỷ đô la Mỹ cũng cho giai đoạn trên.
Trong các yếu tố để phát triển tài chính bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn lực con người: đây là yếu tố điều phối, vận dụng các nguồn lực khác hài hòa và hiệu quả. Ông cũng nhắc nhở các VQG và KBT cần linh động, sáng tạo hơn để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, phát huy được giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, từ đó mới có sức thu hút, sức thuyết phục nguồn lực tài chính xã hội hóa đầu tư vào phát triển bền vững rừng đặc dụng.
Bà Kirsten đồng quan điểm để giải quyết nguy cơ suy giảm tính đa dạng sinh học, đảm bảo sinh cảnh tốt cho các loài động vật hoang dã, Việt Nam cần có thêm nhiều nguồn lực tài chính ổn định và bền vững. Các hành lang kết nối các KBT cũng là điều quan trọng để mở rộng sinh cảnh cho các loài hoang dã, hạn chế sự phân mảnh của phân bố loài hoang dã. Bên cạnh đưa ra các giải pháp, Việt Nam cũng cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và chính sách để tạo điều kiện thực hiện hiệu quả các giải pháp tài chính bền vững cho bảo tồn đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn dài hạn.
Tại Hội thảo, đại diện các chính quyền địa phương cùng các tổ chức UNDP, WWF Việt Nam, và đặc biệt đại diện chính các VQG, KBT cũng chia sẻ hiện trạng và thảo luận đề ra thêm nhiều giải pháp cho mục tiêu tài chính bền vững như đầu tư phát triển du lịch sinh thái, phát triển mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp tư nhân và cộng đồng, kêu gọi các nguồn đầu tư nước ngoài, đồng thời giảm tải lãng phí, hạn chế chi phí phát sinh và ứng dụng nguồn tài chính một cách hiệu quả. Các giải pháp nêu trên đặc biệt là các mô hình phát triển du lịch sinh thái sẽ được cân nhắc xây dựng – áp dụng thí điểm để đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng.
Tại Hội thảo, Bộ NN&PTNT và tổ chức WWF đã ký kết Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn 2042 nhằm thực hiện Biên bản ghi nhớ về Phát triển Nông nghiệp và Hợp tác Một Sức khỏe về phòng chống bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người đã ký tháng 2/2022. Bản Kế hoạch tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách và thể chế; xây dựng năng lực; chia sẻ thông tin và trao đổi chuyên gia; thử nghiệm các mô hình tiên tiến; hợp tác và hỗ trợ các hoạt động kỹ thuật chuyên ngành.