Ngày 14/12/2022, Hội nghị Triển khai kế hoạch hoạt động năm 2023 Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) đã diễn ra tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, dưới sự chủ trì của GĐ VQG Cát Tiên, ông Phạm Xuân Thịnh.
Hội nghị hân hạnh có sự tham dự của các đại biểu đại diện cho Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp do ông Hoàng Văn Mát – Phó Giám đốc ban Quản lý dự án VFBC Trung ương làm trưởng đoàn, đại diện văn phòng dự án VFBC Hà Nội do ông Nicholas John Cox làm trưởng đoàn, đại diện văn phòng dự án VFBC tỉnh Lâm Đồng và VQG Cát Tiên do ông Nguyễn Văn Toại làm trưởng đoàn, đại diện tổ chức Helvetas do bà Hoàng Thị Lụa làm trưởng đoàn, đại diện chính quyền địa phương huyện Tân Phú và 3 xã vùng đệm, và các chuyên gia tư vấn cho Dự án.
Hội nghị nhằm đúc kết kết quả thực hiện Dự án VFBC – VQG Cát Tiên trong năm 2022, báo cáo các hoạt động đã thực hiện, những thành quả đã đạt được cũng như những hạn chế trong tiến trình thực hiện Dự án, từ đó lập ra kế hoạch triển khai Dự án trong năm 2023.
Sau buổi làm việc và thảo luận giữa các đại biểu, ông Phạm Xuân Thịnh kết luận: Vườn quốc gia Cát Tiên là đơn vị hưởng lợi sẽ cố gắng tham gia hoạt động dự án để đảm bảo hiệu quả.
• Kế hoạch, phân bổ vốn đã được phê duyệt: đẩy nhanh tiến độ, xây dựng điều khoản tham chiếu, cần thảo luận kỹ giữa các bên để khi tư vấn triển khai được hiệu quả.
• Ý tưởng mới: trong quá trình thực hiện năm 2023, có thể điều chỉnh, phân bổ lại kinh phí.
• Đảm bảo sản phẩm hữu hình, phù hợp với VQG Cát Tiên.

Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ được thực hiện từ tháng 4/2021 đến tháng 31/12/2026. Hợp phần 2 – Bảo tồn đa dạng sinh học nhằm duy trì, tăng cường chất lượng rừng và bảo vệ, duy trì ổn định các loài động vật hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (TT Huế), Quảng Nam và Lâm Đồng. Mục tiêu của hợp phần hướng đến 14 khu rừng đặc dụng và ít nhất 5 khu rừng phòng hộ, phối hợp với ban quản lý rừng trên địa bàn để duy trì độ che phủ rừng và kết nối sinh cảnh quan trọng để bảo vệ những loài động vật đặc hữu và có nguy cơ bị đe dọa ở Việt Nam.
Dự án được phối hợp thực hiện bởi Tổ chức WWF Việt Nam, Helvetas Việt Nam, Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Quốc tế Fauna & Flora International tại Việt Nam (FFI), Viện nghiên cứu động vật hoang dã Đức (Leibniz Institute for Zoo and Wildlife), Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (Re:wild – tiền thân là Global Wildlife Conservation, GWC), Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Trung Tâm Giáo Dục Thiên Nhiên – ENV.