Cứ mỗi năm đến dịp rằm tháng bảy, người dân lại rộ lên phóng sinh. Có người phóng sinh như một thói quen, một nghi thức mà bản thân chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa. Có người phóng sinh với mong muốn hành động ấy được ơn trên ghi nhận và đền đáp bằng những may mắn, suôn sẻ trong cuộc sống. Vậy ý nghĩa đằng sau câu chuyện phóng sinh là như thế nào, và từ trước đến nay chúng ta đã hiểu đúng, thực hành đúng công đức phóng sinh chưa?
Phóng sinh không đúng cách là sát sinh!
Bất cứ nơi đâu có cầu ắt có cung. Khi nhu cầu làm phước, làm việc thiện cho động vật tăng, ắt có người cung cấp phương tiện, cách thức để đáp ứng nhu cầu thiện nguyện đó. Những ngày lễ Phật giáo, nhất là các dịp như rằm tháng bảy xá tội vong nhân, người dân càng có nhu cầu thể hiện niềm tin, lòng mộ đạo và tinh thần nhân ái của mình. Ngoài lễ lạt chiêm bái, dâng hương, cầu an, phóng sinh cũng là một trong những hoạt động thường niên được nhiều tín đồ Phật giáo và người dân quan tâm tiến hành.
Nhiều người buôn bán các loài chim chóc nhằm phục vụ nhu cầu phóng sinh. Trước đó, họ đặt dày thêm bẫy rập để bắt được thật nhiều chim, nhốt chúng trong những lồng chật hẹp hỗn loạn con lành con bị thương chen chúc nhau. Để nhanh chóng thu lợi, người ta cắt trụi lông vũ ở cánh cho chim không bay xa thoát thân được. Người mua thả ra, chim đập cánh mừng rỡ hướng khỏi cửa lồng những tưởng tìm về khoảng trời tự do, chỉ để ngay sau đó rơi xuống mặt đất vì không bay nổi, và cứ thế bị bắt lại để… bán cho lượt khách mua phóng sinh tiếp theo.
Hàng chục lần như thế dẫn đến chim chết, chim bị thương la liệt quanh các khu vực phóng sinh. Những con còn sống cũng không thoát khỏi số phận ngắc ngoải vì bị kiềm hãm, cầm tù trong điều kiện rất kém. Số may mắn thoát thân không bị bắt lại thì cũng yếu ớt và thương tích đầy mình, mất khả năng bay, rất khó để tiếp tục sinh tồn.
Tình hình không khá hơn đối với một số điểm bán cá phóng sinh. Số cá vừa được thả vào hồ, ven một cụm kênh, sông thì lập tức có những đội ngũ chực chờ sẵn để chích điện bắt lại để tiếp tục bị bán mua phục vụ nhu cầu thả cá.
Hình thức phóng sinh sai lệch lợi bất cập hại này đã bị lên án từ nhiều năm qua, nhưng do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, không thấy được lợi bất cập hại từ nhu cầu phóng sinh của mình, hoặc phóng sinh một cách hời hợt, không cần biết số chim chóc ấy là do nhu cầu của mình mà bị bắt, bị cầm tù và hành hạ, chỉ muốn nhanh chóng mua rồi thả như một phản xạ, một thói quen, vì vậy việc săn bắt chim chóc để phục vụ nhu cầu “phóng sinh” lệch lạc, hời hợt vẫn chưa hoàn toàn bị dẹp bỏ, và các loài chim, nhất là các loài phổ biến dễ gặp như chim sẻ, chim sâu… chính là những cái tên chịu cảnh khốn đốn mỗi khi đến dịp rằm tháng bảy.
Phóng sinh các loài ngoại lai: con dao hai lưỡi nhắm vào những loài động vật bản địa
Chúng ta phóng sinh là vì lòng từ bi hoặc là để cầu phước, nhưng phải đúng cách thì mới có ý nghĩa và kết quả. Ảnh: Cổng thông tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Xuất phát từ thiếu hiểu biết, chưa tìm hiểu kỹ về con vật sắp phóng sinh, người dân rất dễ gây ra tình trạng phóng sinh không đúng lúc, đúng nơi, đôi khi gây tổn hại đến chính con vật được phóng sinh, hoặc vô tình gây ảnh hưởng xấu đến các loài xung quanh.
Chẳng hạn, người dân không phân biệt được rùa núi và rùa nước, chỉ vô tư mua về và đinh ninh rùa là loài ưa nước, sống dưới nước, nên có những trường hợp thả nhầm rùa núi, rùa cạn xuống ao hồ, vô tình xuất phát từ lòng tốt lại làm chúng bị chết đuối, gây sát sanh.
Một số vụ việc đã từng xảy ra rầm rộ, như thả nhầm các loài ngoại lai, xâm thực tràn lan, gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng xấu đến quần xã các loài đặc hữu, bản địa trong khu vực. Như vậy, lòng tốt của mình không đúng đối tượng, một vài con vật được phóng sinh một cách vô tư, chưa tìm hiểu cẩn thận, có thể gây thiệt hại khôn lường cho nhiều động vật khác xung quanh.
Câu chuyện phóng sinh rùa tai đỏ vào hồ Hoàn Kiếm, khiến chúng sinh sôi xâm lấn và xung đột với rùa Hoàn Kiếm (giải Sinhoe) được Sách Đỏ xếp vào mức cực kỳ nguy cấp trước nạn tuyệt chủng là một bài học rõ ràng mà chúng ta cần luôn ghi nhớ.
Hạnh lành phóng sinh: hiểu đúng ý nghĩa tốt đẹp của việc phóng sinh
Luận Đại Trí Độ dạy rằng: “Trong tất cả các tội ác, tội sát sinh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất.”
Như vậy hiểu một cách đơn giản theo giáo lý nhà Phật, phóng sinh là phát tâm từ bi tìm cách cứu chuộc, giúp đỡ cho muôn loài chúng sinh trong hoạn nạn, giam cầm, hoặc đối diện với cái chết thoát khỏi tai ương đó, mà trong tâm không màng tới vụ lợi, mong cầu lợi ích về mình.
Việc phóng sinh phải đặt tôn chí sự sống còn, an lành của sinh mạng ấy lên hàng đầu, chứ không phải vì nhu cầu cá nhân mà vô tình làm hại đến tự do và sinh mạng của muôn loài chúng sinh như đông đảo chúng ta thường hiểu sai, làm sai, không những không tạo nên phước báu, công đức mà còn vô tình gây sát sinh, thêm oan trái, nghiệp chướng.
Theo Cổng thông tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nên hiểu đúng về công đức phóng sinh như sau:
✔️ Phóng sinh phải phát xuất từ lòng từ bi, không vì ý nghĩa tư lợi (như cầu sống thọ, cầu may mắn, giải trừ tật bệnh…). Vì nếu không như vậy, việc phóng sinh tuy có tốt, nhưng hiệu quả lại rất hạn chế. Tâm từ bi không khởi sinh, còn nói gì đến chuyện nuôi dưỡng!
✔️ Phóng sinh bằng cái tâm chứ đừng theo phong trào, làm việc bằng chánh kiến chứ không chạy theo số đông.
✔️ Phóng sinh là tự do, không phân lượng lớn nhỏ, ít nhiều, không chọn ngày giờ tốt xấu, không nên chờ dịp này hay dịp khác. Khi ta phát tâm từ bi thì liền thực hiện – tùy vào khả năng từ một, hai con đến muôn ngàn con cũng phải lập tức cứu thoát chúng – càng nhanh càng tốt, mà chẳng cầu được ai biết đến.
✔️ Khi phóng sinh cần thực hiện âm thầm, chọn nơi vắng vẻ càng tốt, vì pháp sự này không nên kích thích lòng tham của những người săn bắt, tạo thêm nghiệp chướng cho họ mà chính chúng ta cũng bị giảm phần công đức.
✔️ Phóng sinh là cơ hội để con vật có điều kiện quy y Tam Bảo và sám hối nghiệp chướng, việc làm tốt trong Đạo Phật, thể hiện lòng Đại từ Đại bi nên trong nghi thức phóng sinh có lễ quy y, sám hối cho con vật trước khi phóng sinh. Nhưng chúng ta cũng không nên quá chấp vào hình thức, tiến hành những nghi lễ rườm rà, câu nệ. Khi phóng sinh, thao tác phải nhanh nhẹn, rốt ráo; nghi lễ ngắn gọn nhưng đủ sức tế độ; không nên nặng phần hình thức, tránh cho các sinh vật chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm; có khi chúng phải mất mạng trước khi được phóng thích.
Biết rõ được lợi lạc của việc phóng sinh, chúng ta nên tùy theo hoàn cảnh sinh hoạt và điều kiện của mình, phát khởi tâm từ bi thương yêu chúng sanh, thực hành việc phóng sinh như một việc nên làm, như một thói quen tốt.