Gà rừng: mảnh ghép thắm sắc của Vườn quốc gia Cát Tiên

Gà rừng tại Việt Nam là một đại diện trong bốn loài còn sống thuộc chi Gallus trong bộ chim Galliformes. Chúng tách khỏi tổ tiên chung khoảng 4–6 triệu năm trước. Hiện nay, gà rừng Gallus gallus phân bố trải dài trên phần lớn địa phận Đông Nam Á và một phần Nam Á.

 

Gà rừng ở VQG Cát Tiên là loài gà rừng tai trắng (Gallus gallus gallus). © Nguyễn Văn Cường

Giới: Animalia
Ngành: Chordata
Lớp: Aves
Bộ: Galliformes
Họ: Phasianidae
Chi: Gallus
Loài: Gallus gallus (Linnaeus, 1758)
Phân bố: phần lớn Đông Nam Á và một phần Nam Á


 

Giống gà rừng đỏ này chính là tổ tiên của gà nhà (Gallus gallus domesticus). Các nhà khoa học đã phân tích gene di truyền để khám phá rằng gà nhà được thuần hóa từ gà rừng đỏ khoảng 8,000 năm trước. Kể từ đó, giống gà thuần hóa dần lan rộng khắp thế giới dưới hình thức chăn nuôi để lấy thịt, trứng và làm cảnh.

Gà rừng được xem là loài chim lớn. Con đực có bộ lông sặc sỡ để dễ dàng thu hút bạn tình, với phần lông cổ màu đỏ cam rất ấn tượng, lưng và cánh đỏ thẫm, ức, bụng và đuôi màu đen, chân màu xám chì, phần lông đuôi vồng lên với tối đa 2 chiếc lông dài trội hơn so với các lông đuôi còn lại. Những màu sắc này có sự biến chuyển và óng ánh theo từng góc độ của ánh sáng. Trong khi đó, gà rừng mái thường có màu nâu xám/nâu đất toàn thân để dễ dàng ẩn nấp, ngụy trang vào lớp đất rừng, nền cỏ và tầng cây bụi.

Giống như nhiều loài chim trong họ trĩ, con trống không tham gia vào việc ấp trứng hoặc nuôi con non. Gà rừng mái đảm đương hầu hết nhiệm vụ chăm sóc trứng và thế hệ tiếp theo. Loài này có hình thức giao phối đa thê, trong đó mỗi con trống có thể giao phối với nhiều con mái. Gà rừng trống cũng không thường đi theo đàn, chúng chỉ thường đi cặp với con mái hoặc với nhiều con mái vào mùa sinh sản. Mùa sinh sản của gà rừng Việt Nam thường bắt đầu vào tháng 3. Thời kỳ này, gà trống gáy nhiều hơn vào buổi sáng sớm và hoàng hôn. Gà rừng mái đẻ từ 5 – 10 trứng. Tổ của chúng được làm khá đơn giản, nấp kín trong những lùm cây. Trứng được ấp trong khoảng 21 ngày.

Gà rừng trống có màu sắc rực rỡ bắt mắt. © Nguyễn Văn Cường

Gà rừng ăn tạp, ăn nhiều loại hạt và quả rừng như đa, si rơi vãi trên nền rừng, đọt non, lá cây, xác thực vật, động vật không xương sống như sên và côn trùng, đôi khi cả chuột và ếch nhỏ. Chúng thường kiếm ăn vào buổi sáng sớm và xế chiều. Buổi tối gà rừng Việt Nam thường hay tìm những cây cao dưới 5 mét có tán lá lớn để ngủ hoặc những bụi giang, nứa, có nhiều những cây đổ ngang.

 

Ở Việt Nam có 3 phân loài gà rừng, bao gồm:

  • Gallus gallus gallus phân bố từ phía nam tỉnh Hà Tĩnh vào đến Nam Bộ
  • Gallus gallus jabouillei phân bố vùng Đông Bắc
  • Gallus gallus spadiceus phân bố vùng Tây Bắc

Tại Vườn quốc gia Cát Tiên, phân loài gà rừng Gallus gallus gallus có phần tai trắng, dễ dàng phân biệt với 2 phân loài còn lại của nước ta, đều có phần tai màu đỏ. Do đó gà rừng ở Cát Tiên còn được gọi tên thông dụng là gà rừng tai trắng.

 

Theo báo cáo của IUCN, tuy số lượng gà rừng hiện còn trong tự nhiên chưa được xác định, nhưng có nhận định rằng số lượng gà rừng đang không ngừng giảm dần. Thực tế cũng cho thấy gà rừng ngày càng ít gặp trong tự nhiên so với trước đây. Nguyên nhân chủ yếu là do nạn săn bắt gà rừng phục vụ nhu cầu thực phẩm và làm thú chơi cảnh. Việc săn bắt một cách vô tội vạ sẽ có thể khiến mất cân bằng sinh thái trong những cánh rừng nước ta.

Vườn Quốc gia Cát Tiên

Thống kê truy cập

  • 10
  • 1.915
  • 35.202
  • 30.696

Theo dõi chúng tôi

© cattienvietnam

Vườn Quốc gia Cát Tiên

Theo dõi chúng tôi

Thống kê truy cập

  • 10
  • 1.915
  • 30.696

©cattienvietnam

+84 (251) 3669-228
Liên hệ