Công ước Ramsar là gì?
Công ước về các vùng Đất ngập nước (Công ước Ramsar, Iran, 1971) là hiệp ước quốc tế với sứ mệnh “bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua các hành động của địa phương, khu vực, quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới” với sự tham gia của 172 quốc gia thành viên.
Bản đồ các khu ramsar trên thế giới
Thành viên tham gia Công ước RAMSAR có nghĩa vụ chính như sau:
✔️ Chỉ định ít nhất một vùng đất ngập nước để đưa vào Danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế và duy trì đặc tính sinh thái của vùng đất ngập nước này.
✔️ Sử dụng khôn khéo đất ngập nước: lồng ghép các cân nhắc bảo tồn đất ngập nước vào quá trình quy hoạch sử dụng đất quốc gia và khuyến khích sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước.
✔️ Khuyến khích và tăng cường công tác bảo tồn các vùng đất ngập nước thông qua việc thành lập các khu dự trữ thiên nhiên trên các vùng đất ngập nước và xây dựng các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt đối với khu RAMSAR và các khu dự trữ đất ngập nước có quy mô nhỏ và đặc biệt nhạy cảm.
✔️ Thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn các vùng đất ngập nước, đặc biệt là các vùng đất ngập nước xuyên biên giới, các hệ thống nước cùng chia sẻ, các loài chung và viện trợ phát triển cho dự án đất ngập nước.
✔️ Bồi dưỡng truyền thông về đất ngập nước và ủng hộ các hoạt động của Công ước.
Việt Nam là thành viên Công ước Ramsar từ 1989
Với việc Vườn quốc gia Xuân Thủy được công nhận là khu Ramsar vào năm 1989, Việt Nam đã chính thức là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trở thành thành viên của Công ước Ramsar.
Tiếp đó, vào năm 2005, Bàu Sấu, Vườn quốc gia Cát Tiên là cái tên thứ 2 của Việt Nam đứng vào danh sách các khu ramsar trên thế giới. Tại thời điểm đó Bàu Sấu là khu ramsar thứ 1,499 của thế giới.
Theo nguồn tin từ cổng thông tin chính thức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi trở thành thành viên của Công ước RAMSAR, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm thực hiện các nghĩa vụ mà Công ước quy định, trong đó phải kể đến Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước.
Có thể nói, đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định trực tiếp về quản lý đất ngập nước để thực thi Công ước RAMSAR. Nghị định đã đi vào cuộc sống 15 năm sau khi ban hành, các điều của Nghị định đã được cụ thể hóa thành các chiến lược, chính sách và kế hoạch hành động của ngành tài nguyên và môi trường và các Bộ, ngành và địa phương liên quan trên phạm vi cả nước.
Đến nay, Việt Nam có 4 Luật đề cập đến việc quản lý đất ngập nước, như: Luật Thủy sản (năm 2003, năm 2017); Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (năm 2004), nay là Luật Lâm nghiệp (năm 2017), Luật Bảo vệ môi trường (năm 2005, năm 2014), Luật Đa dạng sinh học (năm 2008) và nhiều văn bản hướng dẫn các Luật trên. Luật Đa dạng sinh học năm 2008 là văn bản luật đầu tiên quy định trực tiếp đến vùng đất ngập nước và các hoạt động kiểm kê, xác lập chế độ phát triển bền vững các vùng đất ngập nước tự nhiên ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, hệ thống phân loại đất ngập nước đã được ban hành với 26 kiểu đất ngập nước thuộc ba nhóm đất ngập nước biển và ven biển, đất ngập nước nội địa và đất ngập nước nhân tạo, phục vụ cho việc kiểm kê và quản lý hiệu quả các vùng đất ngập nước trên toàn quốc.
Nhằm nội luật hóa các quy định của Công ước RAMSAR, nội dung Nghị quyết các kỳ họp COP và đáp ứng với yêu cầu về quản lý đất ngập nước của Việt Nam trước các áp lực phát triển và xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước thay thế Nghị định số 109/2003/NĐ-CP. Nghị định mới này đã góp phần kiện toàn hành lang pháp lý về quản lý đất ngập nước (ĐNN) ở Việt Nam, đồng thời triển khai nhiều hoạt động và biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả thực thi Công ước này ở Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 9 khu ramsar, lần lượt theo thứ tự được công nhận là:
Vườn quốc gia Xuân Thủy, 1989
Bàu Sấu, Vườn quốc gia Cát Tiên, 2005
hồ Ba Bể, 2011
Vườn quốc gia Tràm Chim, 2012
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, 2012
Vườn quốc gia Côn Đảo, 2013
Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, 2013
Vườn quốc gia U Minh Thượng, 2016
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, 2019
Nguồn tin: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, Thông tấn xã Việt Nam, Ramsar site