Công tác bảo tồn hổ khởi sắc

Với nỗ lực bảo tồn hổ trên khắp các quốc gia còn hổ hoang dã, báo cáo của IUCN công bố số lượng hổ hoang dã đã tăng 40% trong các khu vực thuộc khuôn khổ Chương trình Bảo tồn sinh cảnh của hổ sau 6 năm.

Hổ – đại diện to lớn nhất của họ Mèo

Hổ thường được chia thành hổ đại lục và hổ đảo. Hổ đảo Sunda bao gồm 3 phân loài: hổ Bali, hổ Java, hổ Sumatra; trong đó chỉ hổ Sumatra hiện còn tồn tại, trong khi hổ Bali và hổ Java đã lần lượt tuyệt chủng vào khoảng thập kỷ 30 và thập kỷ 70 của thế kỷ 20 (những năm 1930, 1970). Con hổ Bali cuối cùng bị giết chết vào năm 1937; và cá thể hổ Java cuối cùng được thấy vào năm 1968.


Hổ đại lục bao gồm các phân loài: hổ Bengal, hổ Malay (hổ Mã Lai), hổ Đông Dương, hổ Siberia (hổ Amur), và hổ Hoa Nam được tin là chỉ còn sống trong môi trường nuôi nhốt. Ngoài các loài trên, hổ đại lục còn có loài hổ Ba Tư (hổ Caspi) cũng đã tuyệt chủng từ thập niên 50 của thế kỷ trước.

Trên thế giới chỉ còn 6 phân loài hổ.

Như vậy hiện nay trên thế giới tổng cộng còn 6 loài hổ, xếp theo kích cỡ cơ thể từ bé đến lớn lần lượt là:

✔️ hổ Sumatra

✔️ hổ Malay

✔️ hổ Hoa Nam

✔️ hổ Đông Dương

✔️ hổ Bengal

✔️ hổ Siberia

Hổ Đông Dương phân bố tại bán đảo Đông Dương. Người ta tìm thấy chúng ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Ở Việt Nam, hổ còn được gọi bằng nhiều tên khác tùy theo đặc trưng vùng miền và văn hóa bản địa, như cọp, hùm, ông kễnh, ông ba mươi…

Tuy nhiên, kể từ năm 1997 đã không còn ghi nhận sự hiện diện của hổ trong môi trường hoang dã tại Việt Nam. Đến năm 2016, IUCN ước tính chỉ còn khoảng 5 cá thể hổ Đông Dương trên khắp đất Việt.

Là loài thú săn mồi lớn nhất trong họ Mèo và là loài thú ăn thịt trên cạn lớn thứ 3 trên thế giới chỉ xếp sau gấu trắng và gấu nâu, hổ gần như luôn là mắt xích cuối trong mọi chuỗi thức ăn, bởi con mồi của chúng là những loài thú ăn cỏ từ nhỏ đến lớn, và thậm chí cả voi cũng trở thành miếng mồi cho hổ trong một số điều kiện săn mồi nhất định.
Hổ thường dựa vào thị giác và thính giác để săn mồi thay vì đánh hơi. Chúng cũng có thói quen rình mồi và thường săn mồi một mình. Một con hổ có thể tiêu thụ đến 40kg thịt trong một lần ăn.

Hổ chủ yếu sống đơn độc, trừ giai đoạn nuôi con. Trung bình hổ cái cho ra đời 2-4 hổ con trong một lứa. Cũng có trường hợp hổ sinh 1-5 con con, nhưng con số thường gặp là 2 hổ con. Cũng giống như các loài khác thuộc họ Mèo, nếu các con non cùng một lứa vì nhiều lý do chết đi, hổ mẹ có thể tiếp tục mang thai lứa tiếp theo trong khoảng 5 tháng sau đó.

Hổ con bắt đầu học cách sinh tồn từ rất sớm, khoảng 1-2 tháng tuổi. Sau khoảng 2 năm, hổ con đã bắt đầu độc lập và rời hổ mẹ để bắt đầu cuộc sống độc lập từ năm tuổi thứ 2-3. Thời điểm hổ cái hoàn toàn trưởng thành về mặt sinh sản là 3-4 tuổi, và 4-5 tuổi đối với hổ đực. Trong tất cả các loài hổ, con đực đều có kích thước lớn hơn con cái. Tuổi thọ tối đa của hổ khoảng 26 năm trong điều kiện nuôi nhốt và khoảng 20 năm trong tự nhiên.

Hổ cần vùng lãnh thổ rộng lớn để hoạt động. Chúng đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu, phân, các vết cào bằng móng vuốt, và tiếng gầm. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng hổ đã giảm mạnh: trong thế kỷ vừa qua, số lượng hổ đã giảm rất nhanh từ 100 ngàn cá thể xuống chỉ còn khoảng 3.200 trong năm 2010.


Hổ đã từng phân bố trên địa bàn rộng trên toàn châu Á, tuy nhiên chỉ sau 100 năm, lãnh thổ của chúng thu hẹp lại chỉ còn chưa đến 10% so với trước đây.

Theo IUCN, diện tích mà hổ sinh sống hiện nay bị thu hẹp với tốc độ choáng ngợp, khi chúng đã mất đi 93% sinh cảnh, bởi sự phát triển không ngừng của con người, kéo theo đó là tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu bành trướng diện tích đất phục vụ nông nghiệp, các khu rừng bị khai thác triệt để nhằm thỏa mãn nhu cầu lương thực của con người đã làm suy thoái sinh cảnh của hổ, khiến chúng mất đi nguồn thức ăn trong tự nhiên. Thiếu thốn thức ăn làm các nòi hổ trở nên còi cọc, có kích thước nhỏ hơn so với tổ tiên họ hàng của chúng trước đây. Việc hạn hẹp nguồn thức ăn và sự lấn chiếm lãnh thổ của con người đã đẩy hổ đến việc săn bắt gia súc, làm căng thẳng thêm sự xung đột lợi ích giữa con người và loài hổ.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khốc liệt dẫn đến tình trạng cạn kiệt số lượng hổ trong tự nhiên là sự săn bắn, khai thác quá mức. Từ xưa, con người đã săn bắn hổ để phục vụ nhu cầu lấy da lông, thịt, xương cốt, móng vuốt và những bộ phận cơ thể khác làm thuốc trong Đông y, cũng như làm vật dụng, đồ trang trí và chứng minh sự giàu sang phú quý. Ngoài ra hổ cũng gặp nạn khi vướng các loại bẫy thú mà con người đặt bẫy nhằm săn bắt các loài thú khác.


Những nguyên nhân này đã đẩy 3 trong 9 loài hổ hiện đại rơi vào tình trạng tuyệt chủng, và 6 loài còn lại đều đứng ở bờ ranh tuyệt chủng, được liệt kê trong danh mục nguy cấp đến cực kỳ nguy cấp theo Sách Đỏ thế giới.

Những thành quả bảo tồn loài hổ trên thế giới

Trước sự suy giảm nghiêm trọng số lượng hổ trong tự nhiên, toàn thế giới đã có những chương trình bảo tồn hổ, đặc biệt ở các quốc gia nơi hổ phân bố. Tất cả phân loài hổ hiện nay đã có tên trong Sách Đỏ IUCN, được bảo vệ trên toàn thế giới.

Năm 2010, Hội nghị Thượng đỉnh về Hổ diễn ra tại Saint Petersburg, Liên bang Nga với sự tham dự của đại diện 13 quốc gia còn hổ hoang dã. Đây cũng là dịp Ngày Quốc tế Hổ được chính thức công nhận là sự kiện toàn cầu, vào ngày 29/7 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về loài mèo lớn đẹp đẽ đang đứng bên bờ tuyệt chủng này. Kỳ vọng được đặt ra tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hổ là sau 12 năm, tính đến 2022 số lượng hổ còn lại ở mỗi quốc gia sẽ tăng đạt gấp đôi thời điểm đó (khoảng 3200 cá thể hổ hoang dã trưởng thành).


Con số lý tưởng hơn 6000 cá thể hổ trưởng thành trong môi trường hoang dã có thể chưa đạt được trong năm 2022, nhưng công tác bảo tồn hổ cũng đã có một số thành quả nhất định.

WWF cho biết, các nước như Campuchia, Malaysia, Lào, Việt Nam, Thái Lan không những không tăng được số lượng hổ mà thậm chí còn không giữ được ở mức năm 2010. Trong khi đó, tình hình tốt hơn ở Bhutan, Nepal, Ấn Độ và Nga. Nepal là nước đầu tiên tăng gấp đôi số lượng hổ trên lãnh thổ của mình – từ 125 lên 250 cá thể.

Theo số liệu báo cáo của IUCN, Chương trình Bảo tồn sinh cảnh của hổ trong 6 năm, từ 2015 đến 2021 trước mắt đã đạt được thành công với số lượng hổ trong tự nhiên tăng 40% tại những khu vực thuộc chương trình bảo tồn (chiếm diện tích 1,2 triệu km2, tương đương 4,5% diện tích phân bố hổ trên toàn cầu, trong đó có 24,8% số lượng hổ trên toàn cầu). Cụ thể, trong toàn bộ danh mục của Chương trình bảo tồn sinh cảnh của hổ, ghi nhận tăng từ 770 lên 966 cá thể hổ.

Số lượng cá thể hổ tăng cụ thể ở từng quốc gia/ khu vực.

Bên cạnh đó, những động thái phục hồi và bảo tồn sinh cảnh trong các diện tích của chương trình cũng được đẩy mạnh. Kết thúc giai đoạn 1, chương trình đã phục hồi 6717 km2 sinh cảnh của hổ bằng việc trồng 482.000 cây bản địa.

Diện tích thực hiện Chương trình Bảo tồn sinh cảnh của hổ (IUCN).

Cùng với đó là những công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên bảo tồn, công tác tuyên truyền để tăng cao nhận thức của người dân trong khu vực nhằm hóa giải xung đột lợi ích giữa con người với loài hổ, cũng như khuyến khích người dân ngưng sử dụng những sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép.

Hiện nay số lượng hổ trong tự nhiên vẫn ít hơn hổ nuôi nhốt. Thậm chí hổ Hoa Nam được cho là chỉ còn hổ nuôi nhốt trong các trang trại, sở thú… Trung Quốc và Mỹ là 2 quốc gia có số lượng hổ nuôi nhốt nhiều nhất trên thế giới. Theo số liệu ước tính của WWF, số lượng hổ hoang dã hiện nay trung bình khoảng 3.900 con (so với 3.200 vào năm 2010).


Chính phủ các nước vẫn ưu tiên bảo vệ – bảo tồn 6 loài hổ còn lại. Theo các chuyên gia của IUCN, mục tiêu không chỉ là tăng trưởng số lượng hổ trong tự nhiên. Kể từ giai đoạn 2 của Chương trình Bảo tồn sinh cảnh của hổ, quan trọng là việc tăng số lượng hổ phải đồng thời đảm bảo được tỉ lệ cân bằng giữa số lượng hổ đực và hổ cái, và tổng số lượng hổ trên thế giới cần được kiểm soát ở mức thích hợp để tránh các vấn đề cạnh tranh và xung đột lợi ích giữa con người và loài hổ.

Vườn Quốc gia Cát Tiên

Thống kê truy cập

  • 0
  • 52
  • 29.979
  • 28.516

Theo dõi chúng tôi

© cattienvietnam

Vườn Quốc gia Cát Tiên

Theo dõi chúng tôi

Thống kê truy cập

  • 0
  • 52
  • 28.516

©cattienvietnam

+84 (251) 3669-228
Liên hệ