Trong 2 ngày 25 và 26/5/2022, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) đã tổ chức các sự kiện cộng đồng về chủ đề NGUY CƠ TỪ CÁC HOẠT ĐỘNG SĂN BẮT – KINH DOANH – TIÊU THỤ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ tại các xã: Tà Lài, Đắc Lua, Phước Cát 2 và Đồng Nai Thượng.
Tham dự chương trình có lãnh đạo Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên, lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, lãnh đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, lãnh đạo Đảng Ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ Việt Nam, đơn vị tài trợ USAID và WWF, các đoàn thể, thôn trưởng, thành viên của các Nhóm Bảo tồn cộng đồng tại địa phương, cũng như sự góp mặt của các hộ kinh doanh ăn uống trên địa bàn.
Buổi triển khai chương trình là dịp để các đại biểu gặp gỡ, được những chuyên gia của Dự án truyền tải thông tin về Dự án, và trao đổi – chia sẻ ý kiến với hình thức thảo luận nhóm, nhằm đưa ra những nhận định về tình hình nguy cơ từ các hoạt động săn bắt – kinh doanh – tiêu thụ động vật hoang dã, từ đó đề ra giải pháp, sáng kiến hiệu quả hơn trong công tác Bảo vệ Động vật hoang dã.
Chương trình cũng cung cấp các thông tin cần biết về những loại bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã, nguy cơ và cơ chế lây lan dịch bệnh từ động vật sang con người, hậu quả của dịch bệnh và cách ngăn ngừa nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật hoang dã sang con người.
Chương trình nhằm củng cố nền tảng cho mục tiêu của hợp phần 9 của Dự án, đó là:
✅ Triển khai các hoạt động đồng bộ từ phát triển sinh kế, tăng cường năng lực quản lý – giám sát đa dạng sinh học trên địa bàn.
✅ Khuyến khích, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn của địa phương.
✅ Chú trọng truyền thông để nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, từ đó kêu gọi giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã.
Qua chương trình, các đại biểu cập nhật sâu sát hơn về các nguy cơ từ việc săn bắt – tiêu thụ động vật hoang dã, tiếp thu nhiều kiến thức cũng như học hỏi trao đổi kinh nghiệm trong công tác Bảo tồn động vật hoang dã, trong việc phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ động vật hoang dã, trong Phát triển sinh kế tại địa phương.