VQG Cát Tiên là ngôi nhà của một loài linh trưởng quý hiếm và đặc biệt, có khẩu phần ăn thuần chay suốt cả cuộc đời: voọc chà vá chân đen.
Chà vá chân đen (tên khoa học Pygathrix nigripes) có màu đen sẫm từ móng đến mu bàn chân như tên gọi của chúng. Đặc biệt chiếc đuôi màu trắng nổi bật rất dễ nhận biết. Khuôn mặt độc đáo của chà vá chân đen có màu ngả xanh, với phần ria trắng mỏng ngắn viền quanh nửa dưới mặt. Phần khuôn mặt quanh hốc mắt và gò má có màu nâu hạt dẻ sáng. Vùng xung quanh cổ họng màu trắng. Sau đầu và lưng có màu đen hoặc xám đen. Bụng màu xám nhạt.
Chúng sống bầy đàn do một con đực trưởng thành làm đầu đàn, thông thường trong tự nhiên, một đàn nhỏ từ 5 đến 7 con, đàn chà vá chân đen đông hơn khoảng trên dưới chục con. Ngoài ra cũng có trường hợp một đàn gồm nhiều cá thể mới trưởng thành, hoặc một cá thể chà vá chân đen đực sống đơn độc. Nhìn chung, voọc là loài sống bầy đàn, con non phụ thuộc nhiều vào mẹ.
Theo Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Đảo Tiên VQG Cát Tiên cho biết, voọc con là loài nhạy cảm nhất trong số các loài linh trưởng được cứu hộ ở miền Nam. Cơ thể chúng không tiêu hóa được nguồn sữa ngọt thông dụng, sẽ khiến chúng bị bệnh đường ruột. Vì vậy, voọc non cần nguồn sữa thay thế phù hợp càng sớm càng tốt để nâng cao khả năng sống sót trong quá trình cứu hộ. Đó là chưa kể đến các nhu cầu về y tế, môi trường sống và tập tính xã hội đặc thù. Cơ hội sống sót tốt nhất của voọc chà vá chân đen, đặc biệt với con non, là nhanh chóng được chuyển đến các Trung tâm Cứu hộ chuyên nghiệp để được chăm sóc đúng cách.
Khác với các loài khỉ, vượn ăn tạp, thức ăn của khỉ và vượn phong phú hơn, từ hoa quả, lá non, đến các loài côn trùng, thậm chí cả trứng chim và chim non khi có cơ hội, voọc chà vá chân đen là loài linh trưởng chỉ ăn thực vật. Chúng đặc biệt thích ăn lá non, các chồi búp nõn của cây. Đàn chà vá chân đen bắt đầu kiếm ăn vào sáng sớm tinh mơ và kết thúc vào buổi chiều, trước khi trời ngả tối. Giống vượn, chúng dành thời gian nghỉ ngơi trong bóng râm của các tán lá rậm vào khoảng thời gian giữa trưa và những thời điểm nắng nóng trong ngày, và cũng hầu như không di chuyển xuống mặt đất để tìm thức ăn.
Vì là loài “thuần chay” chỉ ăn thực vật, khẩu phần ăn của chà vá chân đen không có nguồn đạm động vật, chúng phải bổ sung lượng thức ăn lớn hàng ngày để nạp đủ năng lượng và dinh dưỡng cần thiết.
Voọc chà vá chân đen có tên trong cả Sách Đỏ thế giới và Sách Đỏ Việt Nam, mức độ Cực kỳ nguy cấp. Chúng cũng có tên trong Phụ lục I Công ước CITES, nghiêm cấm khai thác, xuất-nhập khẩu, quá cảnh các mẫu vật của loài này vì mục đích thương mại. Voọc chà vá chân đen xuất hiện ở Việt Nam và đông bắc Campuchia, tuy nhiên các quần thể tại Việt Nam ước tính chỉ còn tổng số chưa đến 5,000 cá thể.