Bàu Sấu, khu Ramsar quan trọng của thế giới
Nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên, khu Ramsar thứ 2 của Việt Nam BÀU SẤU là cái tên thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Không chỉ bởi quang cảnh thoáng đãng xanh mát, nơi đây còn mang một giá trị sinh thái, giá trị đa dạng sinh học to lớn hơn rất nhiều.
Du khách đều biết Bàu Sấu có đến vài trăm cá sấu Xiêm quây quần sinh sống. Nhưng có lẽ ít ai ngờ được, loài cá sấu nước ngọt vốn sinh sống tại đây từ lâu đời từng phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên, và Bàu Sấu của ngày hôm nay là thành quả của hơn 20 năm nhiều tổ chức, cơ quan ban ngành, những cán bộ chuyên trách phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm đã miệt mài bảo tồn cá sấu Xiêm. Cùng với đó là sự phát triển chung của toàn bộ khu vực đất ngập nước có tầm quan trọng lớn này, tạo điều kiện cho các giống loài động vật, thực vật khác cùng sinh trưởng, duy trì một hệ sinh thái cân bằng, ổn định tại đây.
Phóng sự ngắn do VnExpress thực hiện năm 2019 đã có cuộc trò chuyện, tìm hiểu về Bàu Sấu và loài cá sấu nước ngọt qua chia sẻ của cán bộ kiểm lâm Phạm Văn Thuấn.
Hành trình bảo tồn nguồn gene thuần chủng cá sấu nước ngọt Cá sấu nước ngọt (còn gọi là cá sấu Xiêm; tên tiếng Anh: Siamese crocodile, tên khoa học: Crocodylus Siamensis), đã tồn tại từ khoảng 2,6 triệu năm trước đến nay.
Cá sấu nước ngọt tại Bàu Sấu. Ảnh: Lê Đức Khánh.
Chúng từng phân bố rất rộng, trải dài trên lãnh thổ Đông Nam Á và một số vùng Indonesia; nhưng hiện nay chỉ còn lại rải rác trong địa phận Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, còn ở Malaysia và Myanmar từng có dấu vết cá sấu nước ngọt nhưng hiện chưa xác định được hiện trạng tồn tại chính xác của loài này.
Vùng phân bố của cá sấu nước ngọt (Sách đỏ IUCN, 2012) Tại miền Nam Việt Nam, từ xa xưa cá sấu nước ngọt vốn là loài đặc hữu tại Bàu Sấu, VQG Cát Tiên. Do nạn săn bắt bừa bãi, khai thác thái quá để phục vụ nhu cầu lấy da, thịt và trứng, số lượng cá sấu nước ngọt suy giảm trầm trọng. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng từ biến đổi môi trường, mất sinh cảnh, bị tổn thương do các ngư cụ đánh bắt cá, nhu cầu bắt sống để làm nguồn giống cho các trang trại nuôi khiến cá sấu nước ngọt đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Vào khoảng năm 1992, loài này được tin là đã tuyệt chủng hoặc gần như tuyệt chủng trong tự nhiên. Sách đỏ IUCN xếp cá sấu nước ngọt vào danh sách các loài cực kỳ nguy cấp.
Dự án Phục hồi Cá sấu nước ngọt tại Bàu Sấu khởi đầu với số lượng con giống ban đầu do công ty Cá sấu hoa cà TPHCM và Thảo cầm viên TPHCM (Sở thú Sài Gòn – Saigon Zoo) hỗ trợ gửi tặng. Đối với nguồn giống này, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Cát Tiên đã thu mẫu từ máu, da và vảy, đánh dấu cẩn thận từng mẫu để gửi đi nước ngoài kiểm tra và giám định. Công tác phân tích ADN được thực hiện tại trường Đại học Queensland và Canberra (Úc).
Chỉ những cá thể cá sấu nước ngọt mang mẫu gene thuần chủng mới được mang vào tái thả tại Bàu Sấu để đảm bảo nguồn gene cá sấu tại đây không bị lai tạp.
Bàu Sấu – yếu tố sinh cảnh quan trọng trong công tác phục hồi, bảo tồn cá sấu nước ngọt.
Trong giai đoạn tiếp theo trải dài suốt 5 năm từ 2000-2005, 60 cá thể cá sấu thuần chủng được huấn luyện bản năng hoang dã để tái thả trở lại Bàu Sấu. Tuy nhiên, trên thực tế ghi nhận số lượng cá sấu nước ngọt trông thấy trong tự nhiên tại Bàu Sấu sau đợt tái thả này chỉ có 9 cá thể còn sống sót thành công. Có thể thấy chương trình phục hồi cá sấu phải trải qua những bước đầu đầy khó khăn và gian nan, bỏ ra rất nhiều công sức cho nhiều chặng đường. Nhiều đợt tái thả mới cũng được tiếp tục sau đó.
Những đợt tái thả cá sấu về môi trường thiên nhiên tại Bàu Sấu.
Ảnh trên: Guillaume Enot. Ảnh hàng dưới: VQG Cát Tiên.
Năm 2013 ghi nhận có 92 cá thể cá sấu nước ngọt, đến năm 2019, con số tăng lên gần 300 cá thể, với tình hình phát triển được ghi nhận là suôn sẻ. Lúc này có thể tạm an tâm về sự nguy cấp của cá sấu nước ngọt, ít nhất là tại Bàu Sấu, Cát Tiên.