Bác Hồ với tinh thần trồng cây gây rừng bất diệt

19/5 là một ngày đặc biệt trong những ngày đặc biệt của năm: NGÀY SINH BÁC HỒ CHÍ MINH, vị lãnh tụ của dân tộc. Sinh nhật Bác cũng gần thời điểm với những ngày môi trường quan trọng: Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5, Ngày Môi trường Thế giới 5/6.

Bác Hồ – tấm gương sáng trồng cây gây rừng

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm chú trọng đến vấn đề bảo vệ thiên nhiên, môi trường, tích cực “trồng cây – trồng người” và khuyến khích toàn dân cùng chung tay tạo dựng môi trường xanh. Luôn tâm niệm: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.” trong những dịp tiếp xúc với cán bộ, với đồng bào, Bác thường có những lời chỉ dạy thâm tình mà gần gũi giản dị, về vấn đề công tác và cả những mặt khác trong sinh hoạt, trong đời sống nhân dân, thường khuyến khích người dân tham gia trồng cây gây rừng và tự mình đứng ra hăng hái làm gương. Bác từng nói, “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây để làm kỉ niệm, trồng cây nào phải tốt cây ấy, lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

Không chỉ trong nước, Người còn truyền cảm hứng và tinh thần trồng cây gây rừng sang nước bạn. Bác đã trồng cây Đại ở Ấn Độ, trồng cây sồi ở Nga, và gọi đó là “những cây hữu nghị”, nhân dân địa phương gọi là những “cây Bác Hồ”.

Nhắc đến Bác Hồ đối với vấn đề trồng cây gây rừng, không thể không nhắc về NGÀY TẾT TRỒNG CÂY mà Bác chính là người phát động từ đầu năm 1959, bởi lẽ theo Bác đây là “việc ít tốn kém mà đem lại lợi ích to lớn”. Cho đến nay, dù Bác mất đã lâu, ngày Tết trồng cây đã trở thành một trong những phong trào nhân dân rộng lớn, gắn liền với ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Dịp kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ năm 2022, nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức đã chào đón bằng những hoạt động chào mừng, tri ân sôi nổi, như chương trình nghệ thuật Bác Hồ một tình yêu bao la có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ, ca sỹ nổi tiếng, diễn ra tối 18/5 tại Hà Nội, mang đến cho khán giả thật nhiều cảm xúc. Tại đền thờ, khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cát Tường, thị trấn Bình Lục, tỉnh Hà Nam tổ chức triển lãm với hơn 300 sách và tài liệu, mang đến cho người xem cái nhìn toàn diện và hệ thống về thân thế, sự nghiệp và những phẩm chất vĩ đại của anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh. Triển lãm sẽ còn kéo dài đến hết tháng 5 để người xem có đủ thời gian đến tham quan, tìm hiểu.

Theo lời Bác, VQG Cát Tiên không ngừng giữ gìn và khôi phục rừng

Vườn quốc gia Cát Tiên được biết đến như một nơi dự trữ sinh quyển, dự trữ nguồn gene đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam và thế giới với hơn 1,7 ngàn loài động vật thuộc các lớp chim, thú, bò sát, lưỡng cư, 1,655 loài thực vật thuộc 168 họ, 57 bộ, chiếm hơn 60% tổng số bộ và hơn 50% tổng số họ thuộc giới thực vật ở Việt Nam (theo thống kê từ Atlas VQG Cát Tiên, xuất bản năm 2021). Những con số này còn gây ấn tượng hơn nữa bởi sự góp mặt của nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm trong danh sách đó – những loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, và được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm duy trì sự đa dạng sinh học.

Những loài động thực vật quý báu ấy đang sinh sống trong cảnh quan rừng tự nhiên tại Cát Tiên, bao gồm những cánh rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao tre nứa, rừng tre nứa thuần loại và vùng đất ngập nước với hệ thống bàu đầm đặc trưng. Có thể nói chính nhờ giữ được rừng mà Cát Tiên mới là sinh cảnh phù hợp cho các loài sinh sống, phát triển. Rừng đồng thời cũng mang lại nguồn sinh kế dồi dào, thiết yếu cho người dân của tỉnh, nhất là người dân ở các xã vùng ven. Do đó việc giữ rừng – trồng rừng luôn là vấn đề cấp thiết mà mỗi người, mỗi cá nhân cần chung tay xây đắp, hành động.

Noi gương Bác và các vị lãnh tụ đời sau, trong những năm qua VQG Cát Tiên thường xuyên có những dự án trồng và phục hồi rừng, trong đó có những dự án kết hợp chặt chẽ với công ty tư nhân, với cộng đồng người dân làm nông nghiệp, như các dự án trồng rừng khoán, như chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đồng thời gắn liền với hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong các vấn đề môi trường. Cán bộ công nhân viên VQG Cát Tiên luôn cố gắng giữ gìn, phát triển từng tán cây, tấc rừng, với hy vọng khôi phục sinh cảnh cho các loài động-thực vật hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái rừng, và bảo tồn sự đa dạng sinh học vốn phong phú bậc nhất Việt Nam tại rừng Cát Tiên.

Vườn Quốc gia Cát Tiên

Thống kê truy cập

  • 11
  • 1.378
  • 34.665
  • 30.641

Theo dõi chúng tôi

© cattienvietnam

Vườn Quốc gia Cát Tiên

Theo dõi chúng tôi

Thống kê truy cập

  • 11
  • 1.378
  • 30.641

©cattienvietnam

+84 (251) 3669-228
Liên hệ