Nghiên cứu cho thấy phong cách sống “GIẢM THIẾT BỊ – TĂNG NIỀM VUI”, từ việc kéo dài thời gian sử dụng điện thoại thông minh đến việc giảm tải nhu cầu sở hữu xe hơi riêng, chính là biện pháp để giảm tải lượng khí carbon thải ra trên Trái đất.
Nghiên cứu chỉ ra rằng người dân ở những quốc gia phát triển, có mức tiêu thụ cao có thể góp phần ngăn chặn khủng hoảng khí hậu bằng việc thực hiện 6 thay đổi trong sinh hoạt và lối sống, kiến tạo một xã hội giảm thiết bị và gia tăng niềm vui.
Các chuyên gia cho rằng nếu được thực hiện nghiêm túc, 6 thay đổi trong lối sống này sẽ giúp góp 1/4 vai trò trong việc giảm tải lượng khí carbon thải ra môi trường có thể tăng nhiệt độ Trái đất lên 1,5°C, đồng thời tăng sức ép lên chính phủ và nền kinh tế tư nhân trong việc thực hiện các thay đổi dài hạn cần kíp.
Nghiên cứu đã truyền cảm hứng cho chiến dịch Jump, khuyến khích người dân ký kết thực hiện thay đổi. Theo Tom Bailey, một trong những nhà đồng sáng lập chiến dịch, cùng lúc thực hiện 6 điều này quả thật khá khó khăn. Chỉ bắt đầu với một hoặc vài điều trong khả năng cũng đủ để tạo nên thay đổi.
Vậy 6 thay đổi nhằm giảm lượng khí thải carbon là gì? Hãy tìm hiểu xem mỗi chúng ta có thể thực hiện được bao nhiêu thay đổi:
GIẢM TIÊU THỤ, SẮM SỬA THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ KHÔNG CẦN THIẾT
Tiếp tục sử dụng các thiết bị điện máy – điện tử như điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, đồng hồ thông minh và tivi… ít nhất trong 7 năm.
Theo báo cáo, “Tâm lý nghiện sắm sửa và nhu cầu sở hữu các thiết bị công nghệ trong cộng đồng là một trong những nguyên nhân chính tạo ra lượng khí thải carbon.”
Nghiên cứu cho thấy, quá trình chiết xuất kim loại đất hiếm và sản xuất nhiều sản phẩm thường tạo ra nhiều khí thải hơn so với việc sử dụng chính các sản phẩm đó. Ví dụ: chỉ 13% lượng khí thải trong suốt thời gian sử dụng của iPhone 11 được tạo ra khi ta sử dụng điện thoại; 86% còn lại liên quan đến sản xuất, vận chuyển và khâu xử lý cuối vòng đời của nó.
Bailey cho biết, “Chúng ta có xu hướng nâng cấp thiết bị trong khoảng chỉ một hai năm. Mục tiêu của chiến dịch là hướng đến việc thiết bị điện tử được sử dụng trọn vẹn vòng đời của chúng, khoảng từ 5 đến 7 năm.” Chúng ta nên tích cực sửa chữa để tiếp tục sử dụng thiết bị, cho mượn, thuê mướn, tận dụng và tăng cường mua bán trao đổi hàng đã qua sử dụng, chỉ mua thêm thiết bị mới khi thực sự cần thiết.
KHÔNG SỞ HỮU PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CÁ NHÂN TRỪ TRƯỜNG HỢP BỨC THIẾT
Nhiều người đã quen với việc sở hữu xe hơi cá nhân. Đối với một số trường hợp như phục vụ công việc, nhà ở ngoại ô xa xôi, hoặc đối với người khuyết tật, xe hơi cá nhân là giải pháp thuận tiện không thể chối cãi. Dù vậy, việc sở hữu xe hơi cá nhân cũng là nguyên nhân gây ra lượng khí thải lớn.
Theo thống kê toàn cầu, giao thông là nguyên nhân của khoảng 1/4 lượng khí nhà kính thải ra môi trường, và 2/3 trong số khí thải trong lĩnh vực giao thông là từ động cơ xe lưu thông trên đường phố.
Các nhà vận động chiến dịch giảm tải khí carbon kêu gọi người dân nếu có thể hãy ngưng sử dụng phương tiện cá nhân, thay vào đó chuyển sang các phương tiện công cộng, đi bộ, đi xe đạp hoặc dùng hình thức đi chung xe.
Theo nghiên cứu, mặc dù vai trò của xe điện trong việc giải quyết biến đổi khí hậu được nhấn mạnh, nhưng cần có nỗ lực lớn hơn hướng tới việc giảm số lượng xe hơi trên đường nói chung vì chính ngành công nghiệp sản xuất xe hơi (kể cả xe hơi điện) vốn đã là nguồn phát sinh khí thải.
THỜI TRANG BỀN VỮNG
Bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng ngành công nghiệp dệt may gây ra nhiều khí thải nhà kính hơn so với hàng không quốc tế và vận tải biển cộng lại và sự gia tăng của xu hướng thời trang nhanh đang thúc đẩy điều đó. Chỉ riêng ngành công nghiệp thời trang đã chiếm 8-10% trong tổng số 4-5 tỷ tấn khí thải CO2 toàn cầu trong một năm.
Sản phẩm thời trang được sản xuất ồ ạt để chạy theo phong trào tỉ lệ thuận với lượng khí thải, hóa chất độc hại đổ ra môi trường. Mặc dù trang phục được sản xuất với công suất gấp 4 lần so với 20 năm trước, thực tế chúng ta chỉ mặc khoảng 30-40% số quần áo trong tủ. Theo thống kê, khoảng 8 tỷ bộ quần áo được sản xuất mỗi năm trong khi đó trung bình chúng ta chỉ mặc 1 bộ quần áo 7-10 lần.
Bên cạnh đó, thời trang nhanh cũng tác động đến nhận thức của cộng đồng, người mua dễ ảnh hưởng với tính vội vã, hấp tấp và có cảm giác thôi thúc tiếp tục mua sắm quần áo, phụ kiện nhiều thêm nữa để bắt kịp trends trong khi chưa thực sự cần thiết. Hệ quả là môi trường ngày càng bị đe dọa bởi ngành thời trang, đặc biệt là thời trang nhanh, thời trang không bền vững.
Thời trang nhanh cũng có mặt tích cực là giúp cho người mua ở phân khúc bình dân có thể mua sắm, tiêu thụ và thỏa mãn nhu cầu làm đẹp. Tuy vậy, xét về khía cạnh tác động xấu đến môi trường thì thời trang nhanh rất đáng lên án. Thời trang nhanh là xu hướng tất yếu không thể tránh được trong mội xã hội vội vã hiện nay, nhưng chỉ nên được điều tiết phát triển ở mức vừa phải, hợp lý.
Các hãng sản xuất cần có trách nhiệm hơn trong các vấn đề môi trường, thực hiện nghiêm chỉnh quy trình xử lý chất thải công nghiệp trong ngành, đẩy mạnh sử dụng chất liệu tốt hơn cho sức khỏe con người cũng như thân thiện với môi trường.
Về phía người tiêu dùng, nên cân nhắc hơn, cố gắng giảm thiểu nhu cầu mua sắm, chỉ mua khi bạn thực sự yêu thích, cần thiết và sử dụng món đồ được lâu thay vì chạy theo xu hướng chung mà nhiều người săn đón. Đối với những phục trang, phụ kiện không dùng nữa mà vẫn còn tốt, hãy kéo dài tuổi thọ sử dụng của chúng bằng cách quyên góp, cho tặng đến những ai có nhu cầu.
Chiến dịch kêu gọi người tiêu dụng giảm thiểu nhu cầu mua sắm của mình, sửa chữa và tái sử dụng các món đồ thời trang nếu có thể. Con số lý tưởng là 3 món phục trang trong 1 năm. Nếu đồng lòng thực hiện, điều này có thể tạo nên thay đổi ấn tượng trong việc giảm tải khí thải và chất thải ra môi trường của ngành công nghiệp dệt may.
THAY ĐỔI HÀNH VI VÀ THÓI QUEN ĂN UỐNG
Sản xuất lương thực thực phẩm tạo ra hơn 25% tổng lượng khí thải toàn cầu. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể cắt giảm ngoạn mục lượng khí thải nhà kính chỉ với 3 thay đổi trong khẩu phần ăn của chúng ta như sau:
✔️ chuyển đổi chế độ ăn uống: giảm thịt, tăng rau-củ-quả-hạt.
✔️ ăn những gì bạn chọn mua.
✔️ nạp lượng thức ăn vừa phải: vừa tránh lãng phí, vừa tốt cho sức khỏe.
Thay đổi hành vi và thói quen ăn uống là tác động mạnh mẽ nhất trong tất cả các sự thay đổi. Không chỉ đối với biến đổi khí hậu, sự mất đa dạng sinh học, thay đổi mục đích sử dụng đất, việc phân bón đổ vào đại dương gây ra vùng chết, cùng với sự tuyệt chủng và mất đi hàng loạt các loài côn trùng, kéo theo đó là các loài khác nữa do thuốc trừ sâu,… Tất cả những vấn đề này đều phát sinh từ ngành nghề sản xuất thực phẩm.
ĐI MÁY BAY 3 NĂM MỘT LẦN
Ngành hàng không góp khoảng 2% tổng lượng khí thải toàn cầu và con số này đang tăng nhanh hơn mọi hình thức vận tải khác.
Nghiên cứu cho thấy, năm 2017 trung bình trên toàn cầu mỗi người thực hiện một chuyến bay khứ hồi ở quãng cách ngắn trong khoảng thời gian dưới hai năm. Các chuyên gia cho rằng việc giảm một nửa con số này – cam kết thực hiện một chuyến bay khứ hồi 3 năm một lần hoặc một chuyến bay đường dài cứ sau 8 năm – sẽ có tác động rất lớn.
Việc giảm nhu cầu di chuyển đường hàng không có lẽ là một thách thức lớn bởi tính tiện lợi và những hấp dẫn nó mang lại. Tuy nhiên nếu chúng ta cân nhắc giảm tải nhu cầu đi du lịch đường hàng không thường xuyên, thay vào đó chọn các điểm gần hơn trong các kỳ nghỉ ngắn, và dùng phương tiện thân thiện với môi trường, phương tiện giao thông công cộng để thay thế, thì cũng góp phần giảm đi lượng khí thải.
… ĐẾN NHỮNG THAY ĐỔI CÓ TÍNH HỆ THỐNG
Phần lớn mức giảm lượng khí thải ra môi trường sẽ đến từ sự thay đổi có tính hệ thống của các chính phủ và khu vực tư nhân. Để tạo nên những thay đổi có tính hệ thống, các nhà vận động chiến dịch kêu gọi mọi người thực hiện ít nhất một thay đổi trong sinh hoạt và đời sống hàng ngày với các ý tưởng như:
✔️ Chuyển đổi và tận dụng nguồn năng lượng xanh: nếu có khả năng chi trả hãy sử dụng điện gió, mạng lưới điện năng lượng mặt trời, dùng các thiết bị điện năng lượng mặt trời trong gia đình.
✔️ Lắp đặt các biện pháp tiết kiệm năng lượng tại nhà.
✔️ Đầu tư nguồn tiền có dư của bạn vào các dự án năng lượng xanh.
✔️ Sử dụng ngân hàng xanh và có đạo đức.
✔️ Sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.
✔️ Thúc đẩy thay đổi thông qua hoạt động hoặc phản đối ôn hòa hoặc hiến kế/góp ý cho chính quyền địa phương.
Rất khó để một người trong chúng ta cùng lúc thực hiện tất cả 6 thay đổi trên. Theo bạn, bạn có thể tham gia giảm tải lượng khí nhà kính thải ra môi trường bằng bao nhiêu cách trong số 6 điều trên? Bạn đã làm được những điều nào và có dự định tiếp tục thực hiện bao nhiêu trong số những thay đổi còn lại không?
Nguồn tin: Matthew Taylor | the Guardian; 7/3/2022, Fast fashion | @glowtk